Vì sao Bamboo Airways lại trả lại tàu Embraer 190, ngừng khai thác đường bay đến Côn Đảo thưa ông?
Sân bay Côn Đảo là sân bay có đường băng ngắn, chỉ 1,8km. Sau khi sân bay Điện Biên được nâng cấp, cả nước chỉ còn 3 sân bay có đường băng ngắn là Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá.
Loại máy bay phản lực có thể cất hạ cánh được trên đường băng ngắn rất ít, gần như không có ở Việt Nam và châu Á - Thái Bình Dương. Điều này phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp.
Đầu tiên, cả Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều không có cơ sở bảo dưỡng loại máy bay này. Trước đây, Air Mekong phải mang bảo dưỡng máy bay phản lực tại tận châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Hiện nay, Bamboo Airways muốn bảo dưỡng thì cũng phải mang sang Ba Lan. Vật tư, phụ tùng thay thế cũng không có sẵn, thời gian mua và đưa về Việt Nam cũng lâu, chi phí tốn kém. Về phi công, Bamboo Airways cũng phải gửi phi công đi tận Nhật Bản để đào tạo.
Về nhiên liệu, máy bay phản lực có thể cất hạ cánh trên đường băng ngắn tiêu thụ xăng dầu rất lớn, ngang ngửa với máy bay Airbus A320, nhưng chỉ chở được bằng phân nửa số khách.
Tổng quan lại, hiệu quả khai thác của dòng máy bay này rất thấp. Trung bình mỗi năm, chi phí vận hành một máy bay Embraer 190 vào khoảng 5 triệu USD, không khả thi đối với một hãng bay nhỏ, đang trong quá trình tái cấu trúc như Bamboo Airways.
Nhưng thực tế cho thấy nhu cầu bay Côn Đảo, đặc biệt là bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo là rất lớn. Tại sao Bamboo Airways không tăng giá vé lên để bớt lỗ?
Chúng ta vẫn đang duy trì trần giá vé máy bay. Người dân có thể chấp nhận giá vé cao hơn, nhưng hiện tại cơ quan quản lý không cho phép. Bamboo Airways vì thế buộc phải lựa chọn ngừng khai thác loại tàu bay này.
Tại sao Bamboo Airways lại chọn thời điểm này để trả tàu thưa ông?
Có nhiều lý do. Đầu tiên, chúng tôi cần thời gian để thương thảo với chủ cho thuê tàu bay, để đảm bảo cho việc trả tàu không quá tốn kém.
Nếu cứ đối chiếu với hợp đồng cho thuê bình thường, trả tàu bay sớm thì khoản tiền phạt sẽ rất lớn. Rất gần đây, chúng tôi mới đạt được thoả thuận với đối tác, để cơ bản không bị phạt.
Thứ hai, mùa đông, mùa Tết là cao điểm đi lại của thị trường nội địa. Đặc biệt trong mùa Tết, ngoài nhu cầu chung rất cao, nhu cầu bay đến Côn Đảo cũng rất lớn. Chính vì vậy khi thương thảo với đối tác, chúng tôi cũng chọn thời điểm là sau Tết âm lịch, kết thúc lịch bay mùa đông mới trả tàu.
Sau khi dừng khai thác dòng máy bay Embraer 190 và trước đó là Boeing 787-9 Dreamliner, Bamboo Airways hiện chỉ khai thác đơn dòng máy bay Airbus thân hẹp A320, A321. Điều này có lợi gì cho Bamboo Airways?
Ở Việt Nam, trong khu vực, thậm chí là trên toàn thế giới, rất nhiều hãng hàng không thành công với dòng máy bay A320/A321. Đây là loại máy bay có tính kinh tế rất cao.
Vấn đề giờ chỉ là chúng tôi sẽ làm gì để tối ưu hoá doanh thu, giảm chi phí khai thác, vận hành dòng máy bay A320/A321, để có được thành công như các hãng hàng không khác mà thôi.
Với Boeing 787 Dreamliner, đây cũng là dòng máy bay rất nổi tiếng, thuộc loại tốt nhất thế giới về bay đường dài. Nhưng hiện Bamboo Airways chưa sẵn sàng để hoạt động thành công trên mạng đường bay dài, xuyên lục địa. Đó là hoạt động kinh doanh rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường Việt Nam có tỷ trọng khách hạng Thương gia rất thấp. Điều này không khác gì dùng xe Mercedes để chạy taxi.
Rõ ràng đường bay Hà Nội - Côn Đảo cũng là đường bay khá thành công của Bamboo Airways, ghi dấu ấn của Bamboo Airways với hành khách. Có khi nào hãng tính chuyện quay lại khai thác đường bay này?
Chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại khai thác chặng Hà Nội - Côn Đảo. Hiện Bộ Giao thông vận tải đã có chủ trương quy hoạch mở rộng, kéo dài đường băng sân bay Côn Đảo. Sân bay Cà Mau cũng sẽ được mở rộng, kéo dài đường băng để có thể khai thác A320/A321. Chúng tôi sẽ quay trở lại các sân bay này với các dòng tàu bay Airbus A320/A321.
Sau khi đồng nhất đội tàu bay, Bamboo Airways cần bao lâu để có thể hết lỗ và tiến tới có lãi?
Trong Đề án tái cấu trúc Bamboo Airways báo cáo Chính phủ từ cuối năm ngoái, chúng tôi đã nêu rõ sẽ cố gắng giảm lỗ tối đa trong năm 2024, mục tiêu cụ thể là đưa mức lỗ hoạt động xuống mức trên dưới 1.000 tỷ đồng so với 4.000 – 5.000 tỷ đồng mỗi năm trong 5 năm trước đây. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu kinh doanh hoà vốn trong năm 2025 và có lãi trong các năm tiếp theo.
Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch tái cấu trúc này.
Trân trọng cảm ơn ông.
Tác giả bài: Vân Võ Thị
Nguồn tin: www.baogiaothong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn