Khởi động thời kỳ vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch

Thứ năm - 09/04/2020 17:33
(Chinhphu.vn) – Tình hình trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội sẽ tới và với quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng của cả nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn, vươn lên mạnh mẽ.

Như tin đã đưa, ngày mai, 10/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương để thảo luận thêm về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với dịch COVID-19.

Hội nghị sẽ tập trung vào 4 nội dung, gồm: Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Ngay trước thềm Hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường và nhất trí cao với sự cần thiết của việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ.

Chính phủ cũng liên tiếp ban hành các Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực thi luật; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành, 8/4/2020, một chính sách hết sức có ý nghĩa với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, việc triển khai cụ thể trong thời gian tới các chính sách này vẫn là mối quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và mọi chủ thể trong nền kinh tế và đây sẽ là những nội dung được thảo luận tại Hội nghị của Chính phủ.

Khó khăn còn nhiều nhưng cơ hội sẽ tới

Theo Bộ trưởng  Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bối cảnh lúc này, an sinh xã hội là vấn đề cấp bách nhất với người dân, tuy nhiên còn những vấn đề khác phải tính đến, đó là: xác định những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay để có những phản ứng chính sách kịp thời; chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Đây là những vấn đề lớn nhằm hiện thực hóa được các mục tiêu: giảm tối đa ảnh hưởng của dịch lên nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân; đánh giá và dự báo những xu hướng thay đổi cũng như trật tự trong khu vực và trên thế giới từ tác động của dịch; đồng thời, tận dụng cơ hội và xu thế mới trong phát triển để chuẩn bị ngay những giải pháp, kịch bản cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời. Theo đó, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch (dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh).

Trước thềm Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt.

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp vui mừng đón nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương để các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bước đầu đi vào thực tiễn, hỗ trợ tích cực cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, VCCI cũng đề xuất 12 giải pháp ngắn hạn có tính chất cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo ông Lộc, sau dịch bệnh, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng vốn mới có chất lượng cao hơn trong một chiến lược đầu tư phi tập trung, đa phương hóa nguồn cung ứng để tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường của các tập đoàn xuyên quốc gia. Việt Nam có sẵn lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, có quy mô thị trường và nguồn lực nhưng để tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để đón nhận dòng vốn đầu tư mới.

Nhưng thách thức cũng lớn hơn khi xu hướng tự động hóa gia tăng, cơ hội việc làm trong những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn sẽ bị thu hẹp. Bài toán công ăn việc làm cho hàng triệu lao động kỹ năng còn thấp, trong các ngành công nghiệp dệt may, da dày, điện tử - các cỗ máy tạo việc làm chủ yếu trong nền kinh tế, cũng như hàng triệu lao động đang hàng ngày hàng giờ được giải phóng khỏi khu vực nông nghiệp năng suất thấp cần được tạo việc làm trong thời gian tới là một thách thức lớn.

Do vậy, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cùng với các giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, phải tự cứu mình, tiếp tục phát huy các sáng kiến, các giải pháp để tiếp tục trụ vững và phát triển.

Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp; nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số và hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp; thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành; đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển… là những gợi ý của Chủ tịch VCCI.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và địa phương, phát triển thị trường nội bộ và hợp tác với nhau vươn ra thị trường thế giới; chuẩn bị tích cực các nền tảng cho giai đoạn phát triển bền vững sau đại dịch và nền tảng quan trọng nhất là ý chí và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân.

“Tôi tin nền kinh tế sẽ phục hồi sau dịch"

TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, Chính phủ đang làm rất tốt. “Tôi tin là kiểm soát được dịch bệnh thì kinh tế sẽ phục hồi. Doanh nghiệp kêu rất nhiều vì thực sự sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó. Nhưng họ cũng đang thấy Chính phủ rất quyết tâm, rất cật lực vừa chống dịch vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Những gói hỗ trợ như tôi nói trên được quyết định thì doanh nghiệp và cả người dân sẽ đỡ khó khăn phần nào”, TS Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm trên tờ Đầu tư.

Về phía Nhà nước, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, “ai phụ trách chống dịch thì tập trung lo thật tốt việc chống dịch, còn ai phụ trách đầu tư vẫn phải lo đầu tư”. Mỗi người mỗi việc, vấn đề là phân công tổ chức cho khoa học, làm tốt nhiệm vụ của mình chính là góp phần chống dịch.

Suy giảm kinh tế hiện tại là do dịch bệnh, chứ không phải do khủng hoảng tài chính như lần trước, nên vừa chống dịch vừa phải chuẩn bị thật tốt để duy trì sản xuất, kinh doanh hiện tại và hỗ trợ làm sao đảm bảo an sinh xã hội. TS Trần Hoàng Ngân khẳng định, quan trọng là kiểm soát dịch thật tốt, sau đó thì kinh tế sẽ phục hồi vì giai đoạn này khác với giai đoạn 2008 - 2009. Hiện nay, Việt Nam rất chủ động, uy tín trên trường quốc tế tăng cao, sự phục hồi sẽ nhanh hơn.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, thì cho rằng mục tiêu của Chính phủ hiện nay là bảo toàn lực lượng gồm sự sống người dân và sức khoẻ doanh nghiệp để nhanh hồi phục sau dịch.

Trả lời phỏng vấn VnExpress, ông Vũ Thành Tự Anh nêu quan điểm, lúc này, nếu không có sự can thiệp hiệu quả, hiệu lực và kịp thời của Chính phủ, một số ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp có thể đổ vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tăng trưởng, việc làm, cũng như nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực khác.

Đây là bài toán đánh đổi mà mọi quốc gia phải chấp nhận. Chính phủ cần phản ứng nhanh nhất và hiệu lực nhất với tất cả nguồn lực để ngăn chặn khủng hoảng y tế trở thành khủng hoảng kinh tế và thậm chí trở thành khủng hoảng tài chính và nợ công.

Trong đó, "bồi đắp nền tảng phục hồi" và "hạn chế di hại tương lai" là quan trọng nhất, bởi cuộc khủng hoảng nào rồi cũng qua đi, vấn đề là chúng ta sẽ ra khỏi khủng hoảng trong trạng thái điêu tàn hay với tâm thế đã có một số nền tảng nhất định để phục hồi nền kinh tế.        

“Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là phải xây dựng được niềm tin rằng Chính phủ đã hành động kịp thời, hành động hiệu quả vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Khi đó, Chính phủ sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng này với một trạng thái tự tin và những chính sách sau này của Chính phủ sẽ có hiệu lực hơn rất nhiều”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhân định, chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất tốt với doanh nghiệp, bởi với doanh nghiệp lúc này, giảm được áp lực bất cứ dòng tiền ra nào đều vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của họ.

Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khi được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp có được một nguồn tài chính để góp phần giữ chân, chăm sóc đội ngũ lao động, có được mức lương tối thiểu trong thời gian thiếu việc làm, giúp họ nuôi được gia đình, cầm cự trả tiền thuê nhà, các chi phí khác trong sinh hoạt. Tất cả những nguồn hỗ trợ đều dành cho người lao động, bởi đây mới chính là giá trị cốt lõi của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng kiến nghị, với doanh nghiệp dệt may thì quan trọng nhất là hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp vì chi phí này lên tới 34% của quỹ lương (mà quỹ lương chiếm 60% chi phí doanh nghiệp may). Nên tỷ trọng chi đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp lên tới 20% tổng chi phí toàn doanh nghiệp. 

Nguồn tin: Chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay14,242
  • Tổng truy cập19,326,021
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây