Tái Sinh Zone và câu chuyện Phương rác

Thứ năm - 08/08/2024 14:45
Tái Sinh Zone là điểm tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường kết hợp check-in hoàng hôn Côn Đảo. Đặc biệt, câu chuyện của Đan Vi Phương, chủ nhân của Tái Sinh Zone còn truyền cảm hứng về một tình yêu Côn Đảo vô điều kiện.

.

Tái Sinh Zone trở thành điểm hẹn của người yêu môi trường Côn Đảo.
Tái Sinh Zone trở thành điểm hẹn của người yêu môi trường Côn Đảo.

Bảo tàng của sự tái sinh

Tái Sinh Zone, tên gọi đã nói lên nội hàm. Nằm trên cung đường biển bao quanh đảo, Tái Sinh Zone được liệt vào danh sách điểm đến hẻo lánh vì phải qua khu vực Bến Đầm cả 1km mới tới. Thế nhưng, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là thiên nhiên kỳ vĩ, đất trời hòa hợp và những con người yêu thiên nhiên tề tựu về.

Trên diện tích 2.000m2, Tái Sinh Zone nằm trọn trong núi rừng biển cả, trước mặt là Hòn Bà hùng vĩ, xanh thẳm, sau lưng thảm cỏ và rừng nguyên sinh bao quanh. Ở nơi đây, du khách có thể thả lỏng cơ thể, ngắm mặt trời chìm dần xuống biển, xung quanh chỉ có tiếng gió, sóng nước ì oạp vỗ bờ, thi thoảng vài tiếng chim rừng vút lên, cực kỳ thư thái. Đó là tinh thần Tái Sinh mang lại từ thiên nhiên.

Du khách tham quan mô hình tái chế từ rác thải tại Tái Sinh Zone.
Du khách tham quan mô hình tái chế từ rác thải tại Tái Sinh Zone.

Giữa khô cằn sỏi đá, cúc nhật, thược dược, bông trang, hoa sứ, dừa cạn và nhiều loại kiểng hoa cố vươn mình khoe sắc nhờ bay tay chăm sóc của con người. Đó là Tái Sinh do con người làm nên. Và điểm nhấn của Tái Sinh Zone chính là khu trưng bày đồ tái chế. Đó là dãy nhà mái lá vách tre tuềnh toàng 5 gian. Chúng tôi gọi đó là bảo tàng với hàng trăm món đồ tái chế sắp đặt bắt mắt. Một góc vườn hoa bung nở nhiều sắc màu làm từ ống hút, bình nhựa, vỏ chai. Đàn heo hồng, đôi cánh chim khổng lồ, những chú chim cú nhựa. Đàn cá làm từ múp xốp treo lủng lẳng như đang bơi lội. Những bức tranh treo tường cũng chất liệu mút xốp mang thông điệp cứu lấy đại dương. Dàn giỏ đeo xinh xắn kết từ tay lưới cũ… Thường xuyên đưa khách du lịch nước ngoài trekking rừng, anh Nguyễn Ngọc Thiện, hướng dẫn viên tự do cho biết, anh cực kỳ ấn tượng với Tái Sinh Zone nên hôm nào có tour anh đều hướng dẫn khách tạt vào tham quan, uống ly cà phê vừa dừng chân thư giãn và có thời gian giới thiệu sâu câu chuyện “tái sinh” tiếp tục sứ mệnh phục vụ con người từ rác thải nhằm tuyên truyền cho du khách thêm yêu Côn Đảo.

Đất đai khô cằn bên biển nhưng Tái Sinh Zone vẫn nỗ lực trồng hoa cảnh làm đẹp cảnh quan.
Đất đai khô cằn bên biển nhưng Tái Sinh Zone vẫn nỗ lực trồng hoa cảnh làm đẹp cảnh quan.

Muốn góp sức nhỏ giữ màu xanh Côn Đảo

Tái Sinh Zone và tất cả những đồ vật trưng bày tại đây được làm từ rác thải đại dương qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của anh Đan Vi Phương và nhóm bạn cùng sở thích. Đan Vi Phương là dân Sài Gòn, ra Côn Đảo từ năm 2018 làm hướng dẫn viên du lịch. Từ năm 2020, anh mở quán cà phê trên đảo. Giỏi tiếng Anh nên Phương làm quen được nhiều du khách nước ngoài rồi bắt đầu rủ rê nhau cùng đi nhặt rác vào cuối tuần. Rác nhặt được là vô số phao, lưới, chai nhựa… không thể xử lý được nên Phương mang về chất đống dự định có thời gian sẽ tái chế chúng thành những mô hình hữu dụng.

Nhiều mô hình tái chế xinh xắn tại Tái Sinh Zone.
Nhiều mô hình tái chế xinh xắn tại Tái Sinh Zone.

Từ năm 2020 đến 2022 dịch COVID-19 bùng phát, một số bạn nước ngoài bị kẹt lại đảo, trong đó có 1 bạn có chuyên môn về thiết kế sản phẩm từ rác thải. Lúc này, cả nhóm bắt đầu vẽ, cắt, gọt, tạo hình, đóng bàn ghế, đan giỏ… từ những thứ rác có sẵn. Khi UBND huyện Côn Đảo kêu gọi tham gia thí điểm tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng và khách du lịch, tạo sản phẩm du lịch mới về phía Nam đảo Côn Sơn, được sự khích lệ từ Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo, Phương mạnh dạn trình bày ý tưởng hình thành Tái Sinh Zone và được chọn.

Một khóm tre từ chai nhựa tái chế.
Một khóm tre từ chai nhựa tái chế.

Tôi hỏi đã đầu tư bao nhiêu vào đây rồi? Đan Vi Phương chỉ cười rồi vội bắt tay cắt mớ gỗ cũ đang dở tay. “Hôm qua, gió lớn quá lốc một mảng mái che khu trưng bày đồ tái chế. Mà tốc mái, sập vách là chuyện thường ngày vì đoạn này gió xoáy lắm. Tranh thủ gia cố nhanh chứ khách tới thăm mà xập xệ thì kỳ lắm”. Chỉ một chi tiết thôi đủ hiểu chỉ có tình yêu vô điều kiện Đan Vi Phương mới bám trụ nơi hẻo lánh heo hút này được.

Bảng tên Tái Sinh Zone thiết kế từ những tấm gỗ nhặt từ rác thải đại dương.
Bảng tên Tái Sinh Zone thiết kế từ những tấm gỗ nhặt từ rác thải đại dương.

Theo bà Võ Thị Vân, Giám đốc Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo, Tái Sinh Zone bước đầu đã tạo được một sân chơi gắn kết cộng đồng tình nguyện viên yêu môi trường tại Côn Đảo. Cuối tuần các tình nguyện viên tập hợp cùng tổ chức nhặt rác, chế tác sản phẩm, mô hình, vật dụng từ rác. Điểm check-in ngắm hoàng hôn Tái Sinh Zone đã giúp hình thành điểm du lịch mới phục vụ nhu cầu thư giãn, thưởng ngoạn cảnh đẹp và lan tỏa tình yêu thiên nhiên, môi trường Côn Đảo nhiều hơn trong cộng đồng du lịch. 

Tái Sinh Zone là địa điểm ngắm hoàng hôn lý tưởng.
Tái Sinh Zone là địa điểm ngắm hoàng hôn lý tưởng.

“Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo đã vận động và đang hướng dẫn Tái Sinh Zone làm thủ tục đề nghị thành lập CLB tiếng Anh tại đây để tình nguyện viên nước ngoài dạy giao tiếp tiếng anh cho học sinh, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người dân đảo. Bên cạnh đó, Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo đẩy mạnh quảng bá điểm đến để thu hút phân khúc khách tham gia dã ngoại, team building, sinh hoạt ngoại khóa giáo dục môi trường đến với Tái Sinh Zone”, bà Võ Thị Vân cho hay.

Đan Vi Phương giới thiệu mẫu giỏ xách đan từ mành lưới cũ.
Đan Vi Phương giới thiệu mẫu giỏ xách đan từ mành lưới cũ.

                                                                                                                   Theo tác giả bài, ảnh: KIM VINH

Tác giả bài: Vân Võ Thị

Nguồn tin: Nguồn Báo BRVT:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập130
  • Hôm nay8,161
  • Tổng truy cập18,536,867
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây