Du lịch Côn Đảo - Khách sạn côn đảo - Điểm tham quan côn đảo

https://condao.com.vn


Cơ hội để Việt Nam làm mới, đón đầu xu hướng du lịch

Sau 2 năm “ngấm đòn” Covid-19, ngành kinh tế xanh Việt Nam đang “hồi sinh” với sự bùng nổ của khách nội địa. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, nếu công tác xúc tiến được tháo gỡ những khó khăn, sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài.
Cơ hội để Việt Nam làm mới, đón đầu xu hướng du lịch

 

1
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Thưa ông, sau gần 3 tháng thực hiện mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3, đến nay ngành kinh tế xanh đã “hồi sinh” thế nào?

Từ khi mở cửa hoàn toàn hoạt động, ngành du lịch đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa đạt khoảng 48,6 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 211.000 tỷ đồng.

Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã phản ánh các thành tựu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, sự thích ứng an toàn, linh hoạt của ngành du lịch, các quyết sách quan trọng về việc mở cửa trở lại hoàn toàn hoạt động du lịch, sự phục hồi của các đường bay trong nước, quốc tế cùng các chính sách xuất nhập cảnh và y tế thông thoáng dành cho khách du lịch quốc tế...

Việc xây dựng sản phẩm du lịch mới được xem là chìa khóa góp phần gia tăng sức hút của điểm đến. Hoạt động này đã được ngành kinh tế xanh thực hiện ra sao?

Để đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu của du khách, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các sản phẩm mới mang tính chất đặc trưng “mỗi địa phương - một sản phẩm”. Ðơn cử, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã xây dựng tour “Ðêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt"; TP.HCM đã cho ra mắt tour “Du lịch đường sông” và tour “Bay trực thăng ngắm cảnh thành phố”; Sapa tổ chức Lễ hội Hoa hồng, Thanh Hoá có Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Đà Nẵng giới thiệu sản phẩm du lịch khinh khí cầu hay tổ chức show diễn nghệ thuật hoành tráng tại Bà Nà…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cung cấp các gói sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng và nhu cầu khách hàng. Thời gian tới, các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ sẽ còn tăng lên và đây là cơ hội để Việt Nam làm mới mình, đón đầu xu hướng và bắt kịp đà phục hồi của thế giới.

Thưa ông, doanh nghiệp và những nhà đầu tư chiến lược lớn có vai trò thế nào đối với việc dẫn dắt, thúc đẩy phục hồi du lịch nói riêng và nền kinh tế sau đại dịch?

Từ trước đại dịch, du lịch Việt Nam đã có những bước tiến dài, các dự án và sản phẩm du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đã thu hút các tập đoàn du lịch hàng đầu tiến hành đầu tư. Tới thời điểm này, vai trò của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn càng được thể hiện, là những “cánh chim đầu đàn”, mang sứ mệnh người kiến tạo, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ dần ổn định và hoạt động trở lại.

Song số lượng tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ta còn ít, hoạt động trong lĩnh vực du lịch càng ít hơn. Để ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hiệu quả, cần sự chung tay, vào cuộc tích cực hơn nữa của các tập đoàn, doanh nghiệp trong việc đầu tư khôi phục điểm đến, đa dạng hoá hơn nữa sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch.

Tôi kỳ vọng, với công thức “chính quyền trải thảm đón chào, nhà đầu tư chung vai góp sức làm du lịch” đang được các địa phương áp dụng mạnh mẽ và hiệu quả như hiện nay, chúng ta sẽ có những thiên đường du lịch không kém Hàn Quốc, Singapore...

Thị trường nội địa gần như đã phục hồi hoàn toàn, nhưng lượng khách quốc tế chưa nhiều. Việt Nam cần làm gì để thu hút khách quốc tế hiệu quả hơn?

Việt Nam đã tạm dừng các quy định về khai báo y tế từ ngày 27/4 và xét nghiệm Covid-19 từ ngày 15/5 đối với khách nhập cảnh. Một yếu tố lạc quan khác là theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm của khách quốc tế về hàng không và du lịch Việt Nam tăng rất mạnh từ đầu năm 2022 đến nay, ở mức trên 75%, vào hàng cao nhất trên thế giới. Báo cáo ngày 24/5 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019.

Để thu hút mạnh hơn khách du lịch quốc tế, đón đầu mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng 9 trở đi, ngành du lịch cần tập trung vào một số nhóm giải pháp như: đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường trọng điểm; chuẩn bị tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, thị thực cho các thị trường trọng điểm

Nguồn tin: Báo Đầu Tư - baodautu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây