Du lịch Côn Đảo - Khách sạn côn đảo - Điểm tham quan côn đảo

https://condao.com.vn


Côn Đảo nói 'không' với rác thải nhựa

Côn Đảo đang ngày ngày thực hành giảm rác thải nhựa bằng nhiều việc làm cụ thể.
Côn Đảo nói 'không' với rác thải nhựa
Một nhóm du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh tự nguyện thu gom rác tại Bãi Cát Lớn thuộc Hòn Bảy Cạnh.
Một nhóm du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh tự nguyện thu gom rác tại Bãi Cát Lớn thuộc Hòn Bảy Cạnh.

Cơ sở du lịch chung tay

“Đóng trên địa bàn, chúng tôi xác định trách nhiệm phải chung tay giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Do vậy, ngay từ khi đi vào hoạt động, khách sạn đã thực hiện nhiều biện pháp loại bỏ dần đồ nhựa dùng một lần” - là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thúy Chung, Tổng quản lý Khách sạn The Secret Côn Đảo khi hướng dẫn chúng tôi tham quan khách sạn.

Theo bà Thúy Chung, nguồn điện Khách sạn The Secret Côn Đảo đang tiêu thụ một phần từ hệ thống năng lượng mặt trời. Khách sạn cũng xây dựng hình ảnh không khói thuốc, không bán thuốc lá. Các vật dụng như ống hút, hộp, túi đựng đều làm từ giấy. Dầu gội, sữa tắm thay vì sử dụng loại đóng gói xài 1 lần thì được đựng trong các bình lớn. Đồ dùng trong phòng như thùng rác, sọt chứa quần áo, hộp khăn giấy… đều làm từ tre trúc. Đặc biệt, toàn bộ nước uống cung cấp do chính khách sạn sản xuất bằng hệ thống lọc nước RO tự động, chất lượng được kiểm định tại Viện Pasteur.

“Ngoài những việc làm cụ thể tại cơ sở kinh doanh, trong chuỗi giá trị cốt lõi hành động trách nhiệm nhằm phát triển bền vững Côn Đảo, chúng tôi còn tổ chức hoạt động Chạy bộ vì rùa biển - Save Turtles vào tháng 8 hằng năm, huy động cộng đồng tham gia với nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường sống và loài rùa biển Côn Đảo”, bà Thúy Chung cho biết thêm.

Hệ thống lọc nước RO được Khách sạn The Secret Côn Đảo trang bị nhằm sản xuất nước uống phục vụ toàn khách sạn.
Hệ thống lọc nước RO được Khách sạn The Secret Côn Đảo trang bị nhằm sản xuất nước uống phục vụ toàn khách sạn.

Một cơ sở du lịch khác cũng quyết liệt nói không với rác thải nhựa là Six Senses Côn Đảo Resort. Đồ thủy tinh được nghiền để làm cát. Nước thải sinh hoạt được xử lý đạt chuẩn dùng cho tưới cây. Resort dành nhiều không gian trưng bày mô hình, quy trình bảo vệ môi trường nhằm khuyến khích nhân viên và du khách thay đổi thói quen sử dụng nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế.

Theo bà Trần Thị Lệ Quyên, đại diện Six Senses Côn Đảo Resort, khoảng 98% vật dụng tại Six Senses Côn Đảo Resort đã thay thế bằng vật liệu tái chế hoặc dễ dàng tiêu hủy. Du khách đến resort cũng quen dần không mang theo túi nhựa, ni lông. Six Senses Côn Đảo Resort dự kiến sẽ hoàn thành 100% phương châm “Nói không với rác thải nhựa” trong năm 2023.

Không chỉ các khách sạn, resort lớn tích cực giảm rác thải nhựa, những cơ sở lưu trú quy mô nhỏ như Côn Đảo House (đường Võ Thị Sáu), Garden House Côn Đảo (đường Phan Chu Trinh)… cũng tích cực sử dụng dụng cụ ăn uống bằng gỗ hoặc sứ, dùng bình thủy tinh thay thế chai nhựa, đầu tư máy lọc nước đặt tại phòng, thay nước đặt phòng từ chai nhựa nhỏ thành bình lớn, đặt rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, cung cấp túi vải cho khách mượn và đồng hành truyền thông đến du khách trong và ngoài nước thông điệp giảm rác thải nhựa.

Ý thức nâng dần

Ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, dừng tạo ra rác thải nhựa, hành động để thay đổi hành vi chung tay bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển đảo Côn Đảo là điều địa phương luôn trăn trở.

Từ tháng 3/2022, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” giai đoạn 2020-2024 do WWF-Đức tài trợ, UBND huyện Côn Đảo đã tham gia mạng lưới đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu.

Các mục tiêu Côn Đảo cam kết gồm giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường năm 2025, hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, đồng thời ghi tên mình trở thành Đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu.

Ngay sau đó, hàng loạt hoạt động nâng cao ý thức của khách du lịch và hiểu biết của người dân địa phương, vận động các cơ sở kinh doanh và dịch vụ thương mại giảm sử dụng túi ni lông và nhựa sử dụng một lần được thực hiện như: dán poster và phát sổ tay “Giảm nhựa khi du lịch ở Côn Đảo”, tổ chức Tuần lễ giảm nhựa, triển lãm “Du hí biển nhựa” kết hợp “Ngày hội Đổi rác lấy quà”, thu gom rác trong khu sinh thái, rạn san hô, rừng ngập mặn…

Chị Trương Ái Vân, chủ Côn Đảo House giới thiệu mẫu túi vải cho khách mượn sử dụng trong thời gian lưu trú nhằm hạn chế bao ni lông.
Chị Trương Ái Vân, chủ Côn Đảo House giới thiệu mẫu túi vải cho khách mượn sử dụng trong thời gian lưu trú nhằm hạn chế bao ni lông.
Theo số liệu thống kê của huyện Côn Đảo, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình phát sinh trên địa bàn dao động từ 24 đến 27 tấn/ngày. Riêng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch lên đến 221,4 tấn/năm, trong đó 33,3% phát sinh từ các cơ sở lưu trú. Với định hướng phát triển kinh tế du lịch và thương mại, Côn Đảo đang đối mặt với khó khăn và thách thức không nhỏ trong vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa.

Các hoạt động trên nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều cơ sở lưu trú, khách du lịch. Chị Trương Ái Vân, chủ Côn Đảo House, chia sẻ, sau hơn một năm thực hiện các biện pháp hạn chế sử dụng túi nhựa, vật liệu nhựa, du khách vui vẻ đồng tình hưởng ứng, lưu trú một lần rồi tiếp tục quay lại.

Rác thải nhựa giảm hẳn phù hợp với mục tiêu xây dựng điểm đến giảm nhựa cho Côn Đảo. “Bên cạnh đó, tôi cũng tối ưu được kha khá chi phí đầu vào, giảm chi phí, tăng lợi nhuận”, chị Trương Ái Vân cho hay.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa của WWF, nhận xét, sau hơn một năm triển khai các cam kết giảm rác thải nhựa đang rất thuận lợi, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân địa phương, cơ sở kinh doanh và khách du lịch.

Hoạt động dọn vệ sinh trên biển, giám sát rác nhựa trong rạn san hô; phân loại, thu gom rác trong khu dân cư thực hiện hiệu quả, ý thức người dân nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để tác động vào ý thức của cộng đồng dân cư và khách du lịch cũng cần một giải pháp cứng rắn hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, WWF đang nghiên cứu để làm sao xây dựng được chính sách bước đầu giảm tối đa sử dụng sản phẩm nhựa và cũng có thể cùng với chính quyền địa phương có hành động quyết liệt hơn nữa để biến ý thức thành hành động nói không với rác thải nhựa. Đó mới là điều tiên quyết bảo vệ bền vững môi trường, sinh thái cho Côn Đảo.

Garden House Côn Đảo đựng dầu gội, sữa tắm vào bình cố định, thay vì sử dụng loại đóng gói xài 1 lần.
Garden House Côn Đảo đựng dầu gội, sữa tắm vào bình cố định, thay vì sử dụng loại đóng gói xài 1 lần.
 

Tác giả bài: Nguyễn Thanh Thanh

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây