Du lịch Côn Đảo - Khách sạn côn đảo - Điểm tham quan côn đảo

https://condao.com.vn


Hội thảo góp ý dự thảo hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQG CĐ) là Vườn di sản Asean

Vườn quốc gia Côn Đảo vừa tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý dự thảo về hồ sơ đề cử VQG Côn Đảo là Vườn di sản ASEAN’’.
 
Hội thảo góp ý dự thảo hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQG CĐ) là Vườn di sản Asean
20191015 102124

Tham dự có đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) (Tổng cục Môi trường), Sở TN và MT, Sở NN và phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước, một số nhà khoa học cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện CĐ.
Hội thảo đã được nghe đơn vị tư vấn trình bày dự thảo hồ sơ đề cử vườn di sản ASEAN, quá trình xây dựng hồ sơ di sản, tính đa dạng sinh học của VQG CĐ, các nét đặc trưng và độc đáo cần được bảo vệ, giới thiệu cho khu vực và thế giới. Trong đó, hồ sơ đã đặc biệt nhấn mạnh và minh chứng cụ thể các điều kiện về Đa dạng sinh học của VQG CĐ thỏa mãn 10 tiêu chí để đề cử vườn di sản Asean, gồm: tính toàn vẹn sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tầm quan trọng của tính bảo tồn cao, khu vực đề cử mang tính pháp lý, kế hoạch quản lý được phê duyệt, tính xuyên biên giới, tính độc đáo, có ý nghĩa dân tộc học và có tầm quan trọng về giá trị ĐDSH và tính nguy cấp.
Sau khi nghe dự thảo hồ sơ, hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quí giá từ lãnh đạo địa phương, các cơ quan quản lý, nhà khoa học cho dự thảo Hồ sơ đề cử vườn di sản ASEAN mà Vườn quốc gia CĐ đã xây dựng. Nhìn chung, các đại biểu đều đánh giá Vườn quốc gia (VQG) CĐcó đa dạng sinh học cao và phong phú. Là khu rừng đặc dụng được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, nằm xa đất liền nhất của Việt Nam gồm: hợp phần bảo tồn rừng và hợp phần bảo tồn biển với ba hệ sinh thái tự nhiên là hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái bảo tồn biển. Các hệ sinh thái này có nguồn gốc tự nhiên, được hoạch định rõ ràng trên bản đồ và thực địa.
Vườn quốc gia Côn Đảo còn có tài nguyên rừng, biển đa dạng và phong phú, có nhiều loài thực vật, động vật, sinh vật biển là loài quý hiếm, nguy cấp theo phân loại của IUCN, Sách đỏ Việt Nam và các Nghị định của Chính phủ, như: Rùa biển, Dugong,…
Ngoài giá trị về cảnh quan, địa hình và đa dạng sinh học, VQG CĐ còn có giá trị và gắn chặt với bảo tồn hệ thống lịch sử đặc biệt quốc gia, quy hoạch phát triển du lịch huyện CĐ và giá trị bảo vệ môi trường. Vì vậy VQG CĐ là một trong những khu bảo tồn được ưu tiên bảo vệ hàng đầu ở Việt Nam; đã được công nhận là Khu Ramsar của thế giới và là khu Ramsar biển đầu tiên của VN.
Các tài nguyên tự nhiên, lịch sử, văn hóa này đáp ứng các tiêu chí quy định của Ban thư ký Asean để xây dựng vườn quốc gia Côn Đảo là vườn di sản Asean. Từ đó, tạo cơ hội để khai thác các tiềm năng về nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái, góp phần tham gia hệ thống bảo tồn rùa biển ở khu vực Asean.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận và góp ý cho hồ sơ đề cử liên quan đến các vấn đề như: Cần bổ sung tư liệu minh họa cho tiêu chí thứ 9 (ý nghĩa dân tộc học); Cần rà soát các quy hoạch phát triển của địa phương nhằm tránh chồng chéo khi được công nhận là vườn di sản Asean; Cần bổ sung số liệu liên quan đến sự phát triển kinh tế của địa phương, diện tích đất Di tích quản lý và gắn kết các số liệu đã được nghiên cứu, công nhận về VQG CĐ vào các tiêu chí nhằm tăng tính thuyết phục; Đề nghị đơn vị tư vấn tham khảo các hồ sơ đề cử của các VQG đã trình Thủ tướng xem xét nhằm đảm bảo hồ sơ đúng quy định, khoa học và không nên mô tả quá chi tiết những đặc điểm mang tính chất địa phương; Cần đề cập trách nhiệm của cộng đồng trong việc Vườn QG CĐ được đề cử Vườn di sản Asean và tác động như thế nào đến đời sống cư dân địa phương, sự phát triển của huyện đảo;…
Được biết, chương trình Vườn di sản Asean do các bộ trưởng về môi trường Asean đã hợp tác và cùng ký kết tuyên bố Asean về việc thành lập các vườn di sản ASEAN vào ngày 18 tháng 2 năm 2003. Các nước thành viên ASEAN đã nhất trí rằng: “Hợp tác chung là cần thiết để bảo tồn và quản lý các vườn di sản ASEAN nhằm đảm bảo sự phát triển và thực hiện bảo tồn khu vực và kế hoạch hành động quản lý cũng như các cơ chế chủ quyền lực của các vườn quốc gia nhằm thực hiện các biện pháp bảo tồn”.
Theo đó, chương trình Vườn di sản Asean được triển khai từ năm 2006 với mục tiêu là: Bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý các hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực Asean góp phần cải thiện sinh kế của người dân địa phương’’.
Hiện nay, Việt Nam có 6 Vườn quốc gia được công nhận Vườn Di sản Asean, gồmVườn quốc gia Ba Bể, Hoàng Liên, Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray, U Minh Thượng và VQG Bạch Mã.
Kết thúc hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định hồ sơ đề cử Vườn di sản ASEAN của CĐ được xây dựng đáp ứng được các tiêu chí đề cử. Ban quản lý VQG CĐ sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Đặc biệt là kiểm tra lại cách trình bày bản đồ đáp ứng tiêu chí quốc tế, bổ sung clip ngắn giới thiệu về giá trị của Vườn và các số liệu để tạo ấn tượng, hình Phát biểu tại buổi tham vấn lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học,… nhằm hoàn thiện hồ sơ, gửi lấy ý kiến Bộ ngành để hoàn chỉnh hồ sơ đề cử Vườn quốc gia CĐ trở thành Vườn di sản ASEAN để sớm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.
 

Nguồn tin: Thái Thủy:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây