Du lịch Côn Đảo - Khách sạn côn đảo - Điểm tham quan côn đảo

https://condao.com.vn


Nét đẹp văn hóa Việt qua mâm cỗ Tết ba miền

Theo Dân trí - Tết là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, là khoảng thời gian mà mỗi đứa con xa quê đều ngóng trông. Dù cuộc sống có bao nhiêu thay đổi thì truyền thống ngày Tết vẫn luôn nguyên vẹn trong nếp sống của mỗi người Việt. Mâm cỗ Tết là yếu tố thể hiện điều đó rõ ràng nhất.
5

5

Mâm cỗ Tết miền Bắc

Trong 3 miền, mâm cỗ Tết của miền Bắc mang tính chuẩn mực và giữ được nét truyền thống nhiều hơn cả. Mâm cỗ Tết của người Bắc rất chú trọng hình thức, cầu kì trong cách chế biến các món ăn cổ truyền.

Cuộc sống càng hiện đại, tất yếu trên mâm cơm ngày Tết sẽ có thêm nhiều biến món ăn lạ miệng. Nhưng sau cùng vẫn không thể thiếu những món ăn truyền thống. Mâm cỗ Tết miền Bắc rất tinh tế, là sự phối hợp hài hòa của các món ăn, giữa món nước và món khô, giữa thịt và rau.

Mâm cỗ Tết miền Bắc là sự phối hợp hài hòa giữa các món ăn, hương vị.

Quan trọng nhất trên mâm cỗ ngày Tết của miền Bắc phải nói tới bánh chưng xanh. Dù là trên bàn thờ, mâm cơm hay bữa cỗ nào cũng Bắc đều sẽ có sự hiện diện của món ăn này. Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người.

Bánh chưng xanh là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ miền Bắc.

Với món nước thường gặp nhất là canh bóng lợn và nấm. Các món khác cũng hay gặp là canh mọc với nấm, miến gà hoặc canh giò nấu măng. Còn món khô gồm có các loại giò chả là đặc trưng riêng biệt nhất của mâm cỗ miền Bắc. Các loại hay gặp trong mâm cỗ có giò thủ, chả lụa. Giò chả trên mâm thường được cắt khoanh dày, miếng chia 8 đều nhau. Đúng lệ sẽ có 4 đĩa bày dàn đều trên mâm cỗ để mâm nhìn đầy đặn hơn thay lời ước muốn năm mới sung túc đủ đầy.

Quy định về bày trí mâm cỗ của người miền Bắc thường rất nghiêm khắc và phải tuân thủ đúng bài bản. Mâm cỗ ít nhất phải có bốn đĩa và bốn bát không kể những đĩa xôi và các bát nước chấm. Những gia đình khá giả còn có thể bày đến tám đĩa, tám bát. Đặc biệt, trên mâm cỗ tất niên phải luôn có một đĩa xôi gấc để mong ước nhiều may mắn trong năm mới.

Mâm cỗ Tết miền Trung

Miền Trung có khí hậu quanh năm khắc nghiệt nên mâm cỗ của người miền Trung chăm chút và chú ý nhiều hơn đến khả năng bảo quản.

Cỗ Tết miền Trung thường đơn giản hơn và thể hiện tinh thần tiết kiệm, sẻ chia.

Các món ăn trên mâm thường được chia vào chén hoặc dĩa nhỏ vừa phải, nhưng món ăn lại rất đa dạng trong cách ăn.

Các món ăn thường thấy trong mâm cỗ của miền Trung bao gồm món nguội như chả phụng, nem, tré..., dưa món (thay cho dưa hành của miền Bắc). Món nóng có nem lụi, bò nướng sả ớt... Món chính ăn kèm với cơm thì có món heo, gà quay, rán, bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, thịt nạc rim, hon… Và thường không thiếu món canh giò heo hầm, bánh tét.

Món tré thường xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung.

Có lẽ, không nơi nào có các món tráng miệng phong phú như miền Trung. Nào là mứt, bánh tổ, bánh in, bánh thuẩn, bánh bột sắn, bánh ít, bánh đậu xanh sấy, bánh bảy lửa, cốm… Các loại bánh này đều ngọt đậm, được chế biến bằng cách hấp, nướng hoặc sấy kỹ để có thể dùng ăn dần đến cả tháng vẫn không hư.

Ngoài ra, mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung còn có các món như thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm. Miền Trung còn là nơi nổi bật với thói quen “cuốn” cho nên mâm cỗ ngày Tết của các tỉnh không thể thiếu các món bánh tráng, rau sống cuốn.

Mâm cỗ Tết miền Nam

Trái ngược với thời tiết giá rét của miền Bắc, miền Nam đón Tết với tiết vẫn còn vương chút nắng chút nóng. Thêm nữa, miền Nam có nhiều sản vật phong phú, xưa kia lại là vùng đất của dân di cư, nên cỗ Tết của phương Nam có phần phong phú và ít nặng về nghi thức như miền Bắc.

Mâm cơm ngày Tết của người miền Nam có sự phong phú, đa dạng.

Nếu bánh chưng là linh hồn của Tết miền Bắc thì bánh tét lại là thức quà không thể thiếu trên mâm cỗ của miền Nam. Bánh tét miền Nam rất đa dạng về cả hương vị lẫn màu sắc.

Mỗi một loại bánh tét lại có cách kết hợp nguyên liệu, tạo hình và màu sắc khác nhau. Đó có thể là đòn bánh tét có phần nếp bên ngoài trộn lẫn với dừa nạo, đậu đen, lá cẩm, lá dứa… để cho ra đời những mẻ bánh có màu sắc bắt mắt.

Các loại nhân bên trong đòn bánh tét cũng vô cùng phong phú, từ nhân đậu xanh với mỡ truyền thống, đến nhân chuối, nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng muối… Có khi đòn bánh tét còn được người làm bánh tạo dáng để khi cắt ra có thể trưng bày thành hình hoa mai, chữ Thọ, chữ Phúc…

Ngoài ra, Tết ở miền Nam không thể thiếu nồi thịt kho tàu. Thịt phải là miếng ba rọi kho với trứng vịt và nước dừa xiêm. Món ăn “đạt chuẩn” thì miếng thịt phải mềm mà không nát, ăn kèm với dưa giá cải chua.

Khổ qua hầm thịt cũng là món đặc trưng ngày Tết của người miền Nam. Người ta ăn khổ qua với mong ước năm mới Tết đến mọi sự khổ cực đều qua đi, mang lại niềm may mắn cho cuộc sống.

Nem bì, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, củ kiệu chua, tôm khô kiệu chua cũng là những món ăn Tết thường có. Nếu ngán những món quá nhiều thịt mỡ, người ta làm cá lóc nướng hay hấp, cuốn với bánh tráng, vừa bổ sung thêm rau xanh, vừa dễ ăn.

Nguồn tin: Hainhan/Tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây