Du lịch Côn Đảo - Khách sạn côn đảo - Điểm tham quan côn đảo

https://condao.com.vn


Vườn quốc gia Côn Đảo – 25 năm hình thành và phát triển

Vườn quốc gia Côn Đảo gồm 14 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Sơn, nằm phía Đông Nam Việt Nam, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Vườn quốc gia Côn Đảo – 25 năm hình thành và phát triển

Năm 1984 Chính phủ thành lập khu rừng cấm Côn Đảo, năm 1993 Vườn Quốc gia Côn Đảo chính thức được thành lập theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lãnh đạo huyện Côn Đảo và các Sở, ban ngành, các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là sự phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, đến nay Vườn quốc gia Côn Đảo đã phát triển, xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, biển, bảo tồn đa dạng sinh học, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo nói riêng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên trong hệ thống các Khu rừng đặc dụng của cả nước.

Vườn Quốc gia Côn Đảo có diện tích là 19.990,7 ha, bao gồm: 5.990,7 ha hợp phần bảo tồn rừng, 14.000 ha hợp phần bảo tồn biển và 20.500 ha vùng đệm biển. Vườn quốc gia Côn Đảo là một trong sáu vườn Quốc gia của Việt Nam vừa thực hiện bảo tồn rừng, vừa thực hiện bảo tồn biển. Tài nguyên thực vật rừng đã thống kê, xác định 1.077 loài thực vật bậc cao, có mạch, trong đó có 44 loài được tìm thấy ở Côn Đảo lần đầu tiên và 11 loài được các nhà khoa học lấy tên Côn Sơn đặt tên cho loài như Dầu Côn Sơn, Bui Côn Sơn, Đọt dành Côn Sơn,... Hệ động vật rừng có 160 loài, trong đó 29 loài thú, 85 loài chim, 38 loài bò sát và 8 loài ếch. Có ba loài động vật đặc hữu của Côn Đảo đó là: Sóc Đen Côn Đảo, Thạch sùng Côn Đảo và Khỉ đuôi dài Côn Đảo. Tài nguyên đa dạng sinh học biển rất phong phú, đa dạng, với 1.725 loài sinh vật biển. Sự cách ly về địa lý là yếu tố tạo nên sự đa dạng về các hệ sinh thái, phong phú về thành phần loài và tính đặc hữu cao tại Côn Đảo. Với tiềm năng đa dạng sinh học cao, Vườn quốc gia Côn Đảo được ngân hàng thế giới đưa vào danh sách các vùng ưu tiên cao nhất trong hệ thống các khu bảo tồn biển toàn cầu. Năm 2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế thứ 2.203 của thế giới và Khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam.

Với chức năng nhiệm vụ được giao là bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, sự đa dạng sinh học và các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm, các sinh vật cảnh tự nhiên độc đáo của Côn Đảo để Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành một trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học có tầm quan trọng của quốc gia và quốc tế; bảo vệ nguyên vẹn, phát triển diện tích rừng để gia tăng độ che phủ rừng đầu nguồn các khe, suối, bảo vệ đất, góp phần duy trì sự sống trên đảo, cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt đồng thời bảo vệ rừng góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh cho quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, góp phần xây dựng Côn Đảo trở thành một trung tâm du lịch – dịch vụ chất lượng cao, có tầm cỡ khu vực và quốc tế, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội của huyện nhà. Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, Vườn quốc gia Côn Đảo đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể là:

Về công tác tuần tra bảo vệ tài nguyên rừng, biển. Với hơn 60 biên chế công chức, viên chức Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo được bố trí 12 trạm, tổ ngày đêm bám trụ ở địa bàn hẻo lánh, đi lại khó khăn cách trở, đời sống còn thiếu thốn nhưng các cán bộ, công nhân viên chức Vườn Quốc gia Côn Đảo vẫn bền bỉ, kiên cường bám trụ xuyên suốt từ đảo Côn Sơn đến các đảo nhỏ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học biển, góp phần cùng các chiến sỹ Biên phòng, Công an, Bộ đội trên huyện Côn Đảo... canh gác bảo vệ vùng biển, vùng trời, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền trong những năm qua. Trong suốt 25 năm qua Côn Đảo không có vụ phá rừng, cháy rừng nào xả ra nghiêm trọng, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Về một số chương trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu gắn với hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước. Bằng sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo và phối hợp, hợp tác của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn quốc tế và trong nước, nhiều năm qua đã đồng hành cùng Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện thành công một số chương trình, dự án bảo tồn, nghiên cứu tiêu biểu như: Dự án Cứu hộ Rùa biển từ 1995 đến năm 2000 do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) hỗ trợ, hàng năm đã bảo vệ, ấp và thả về biển hàng trăm ngàn Rùa con, sinh cảnh sống và làm tổ của Rùa mẹ được bảo vệ an toàn. Thống kê từ năm 1995 đến nay, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ hơn 21.000 tổ trứng rùa biển, có 1,5 triệu rùa con đã nở và thả về biển, tỷ lệ trứng nở trên 80%, đeo máy định vị theo dõi đường di cư cho 10 cá thể rùa mẹ, đeo thẻ theo dõi đặc tính sinh học hơn 2000 cá thể rùa trưởng thành. Dự án nghiên cứu phục hồi và bảo tồn rừng, bảo tồn phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và hệ sinh thái thảm cỏ biển bị tàn phá, gãy đổ sau cơn bão Linda (bão số 5 năm 1997) được tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ triển khai trong những năm 2000-2003 đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu khôi phục hệ sinh thái rừng, biển, rạn san hô Côn Đảo và giữ vững tiêu chí xanh, đẹp, đa dạng, phong phú mãi đến ngày nay. Sau 25 năm hoạt động hợp tác nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn đến nay cán bộ công nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo từng bước được tiếp cận, học tập, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế như: Quỹ bảo vệ Thiên nhiên (WWF); Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA), Trung tâm nhiệt đới Việt Nga.

Về chương trình phát triển du lịch sinh thái, giáo dục môi trường. Hiện nay, mỗi năm huyện Côn Đảo đón khoảng 244.000 lượt khách, trong đó khách tham quan du lịch sinh thái, khám phá trải nghiệm thiên nhiên rừng, biển Vườn Quốc gia Côn Đảo khoảng 27.000 lượt khách. Cùng với phát triển du lịch sinh thái, công tác giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng được quan tâm xuyên suốt. Hàng năm đơn vị đều phối hợp tổ chức chương trình giáo dục môi trường cho học sinh các cấp ở địa phương, các đơn vị Bộ đội, nhân dân ở các khu dân cư, du khách, ngư dân các tỉnh... với nội dung, hình thức tuyên truyền vận động phong phú đa dạng. Công tác giáo dục môi trường đã làm cho cộng đồng nhận thức đầy đủ, tôn trọng thiên nhiên và có hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó còn thực hiện Dự án cho dân nghèo, ngư dân đánh bắt thủy sản được vay vốn lãi suất thấp từ Quỹ Bảo tồn và Phát triển tài nguyên thiên nhiên Vườn quốc gia Côn Đảo để hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng, góp phần giảm áp lực xâm hại tài nguyên thiên nhiên. Từ năm 2010 đến nay Quỹ đã giải quyết cho 57 hộ gia đình vay với tổng số vốn giải ngân 2,1 tỷ đồng.

Nhìn lại 25 năm hình thành và phát triển, có thể khẳng định rằng Vườn quốc gia Côn Đảo đang không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Chúng ta tin tưởng rằng tập thể cán bộ, công nhân viên Vườn quốc gia Côn Đảo sẽ vượt qua những khó khăn còn tồn tại và tiếp tục làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng để mảnh đất Côn Đảo mãi mãi xanh tươi./.

Nguồn tin: Hạnh Lâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây