Du lịch Côn Đảo - Khách sạn côn đảo - Điểm tham quan côn đảo

https://condao.com.vn


Xây dựng Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo đặc sắc

Trong những năm qua, Côn Đảo đã tận dụng lợi thế bờ biển dài, bãi biển đẹp để đẩy mạnh phát triển du lịch.
Xây dựng Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo đặc sắc

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2030, Côn Đảo sẽ trở thành “Khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế”.

Côn Đảo được bình chọn là đảo thiên đường của châu Á. Ảnh: TTXVN

Thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên

Huyện Côn đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ nằm giữa đại dương với diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 76 km2.

Huyện Côn Đảo có bờ biển dài 200 km, có nhiều bãi tắm đẹp như: bãi Đất Dốc, Bãi Cạnh, bãi Đầm Trầu, bãi Hòn Cau, bãi Hòn Tre...

Thêm vào đó là vườn Quốc gia Côn Đảo diện tích gần 6.000 ha trên đất liền và 14.000 ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm. Côn Đảo còn có di tích đặc biệt cấp quốc gia nổi tiếng “Nhà tù Côn Đảo” - ghi dấu một giai đoạn lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ngoại xâm của các thế hệ cha anh.

Đó là trại Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình; chuồng cọp, chuồng bò cùng khu nhà Chúa Đảo và khu nghĩa trang Hàng Dương nơi chôn cất 20.000 tù nhân chủ yếu là các chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ngoài ra, môi trường sống ở Côn Đảo rất trong lành, nhiệt độ bình quân khoảng 26-27 độ C, mát mẻ quanh năm…

Với vị trí địa lý, lịch sử chiến lược, cùng với những giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, cộng với thiên nhiên ưu đãi, trong những năm qua. Đảng bộ và nhân dân Côn Đảo đã và đang ra sức thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đặc biệt, Côn Đảo đã tận dụng lợi thế, phát triển du lịch với các loại hình phong phú như: Du lịch tắm biển nghỉ ngơi, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái (lặn, câu cá, leo núi, tham quan rừng biển, sinh vật biển...).

Năm 2011, Côn Đảo đã được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Anh) bầu chọn là 1 trong 10 hòn đảo hoang sơ, bí ẩn và đẹp nhất thế giới. Trong nước, Côn Đảo là 1 trong số hơn 20 khu du lịch quốc gia của Việt Nam được đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên (rừng và biển).

Theo Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, năm 2017, Côn Đảo đã đón và phục vụ xấp xỉ 244.000 lượt khách (tăng 46% so với năm 2016), trong đó khách quốc tế đạt khoảng trên 31.000 lượt; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch toàn huyện đạt trên 1.100 tỷ đồng. 

Phấn đấu thành khu du lịch chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2030, Côn Đảo đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành “Khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế”.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Côn Ðảo trong 5 năm tới, UBND huyện Côn Đảo đang triển khai các nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển Côn Ðảo theo những mục tiêu đề ra.

Các ngành kinh tế như tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp được quy hoạch, định hướng phát triển nhằm mục tiêu phục vụ phát triển du lịch. Huyện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch… tương ứng với tốc độ phát triển lượng khách đến Côn Ðảo.

Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Côn Ðảo đầu tư gần 70 công trình dự án phục vụ dân sinh và phát triển du lịch; hoàn thiện và nghiên cứu đầu tư hệ thống giao thông đường bộ nội đảo, gồm cả đảo Côn Sơn, đảo Hòn Bà, đảo Bảy Cạnh, đảo Hòn Cau cũng như hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường và các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Huyện đang thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp con đường huyết mạch từ trung tâm đi Cỏ Ống và từ trung tâm đến Bến Ðầm nhằm bảo đảm an toàn lưu thông cho người dân và hướng đến mục tiêu phát triển du lịch của huyện đảo.

Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường các biện pháp quản lý dịch vụ văn hóa du lịch, bảo đảm phát huy các yếu tố lợi thế của địa phương, bảo đảm du lịch phát triển bền vững; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa cũng như chú trọng phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch… ./.

Nguồn tin: Theo BNNEW.VN/Tùng Lâm (tổng hợp)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây