Đốt vàng mã từ lâu vốn được xem như tập tục truyền thống trong thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tuy nhiên, việc làm này đang bị làm cho biến tướng, sai lệch khi nhiều người đốt vàng mã mà không hiểu hết ý nghĩa, đốt vàng mã tùy tiện ở những nơi không phù hợp.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Côn Đảo có 29 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh các mặt hàng đồ lễ (hoa, trái cây, vàng mã...) và nhiều cơ sở khác có hoạt động mua bán đồ lễ tự phát, tập trung chủ yếu tại khu trung tâm huyện và gần các địa điểm di tích lịch sử - văn hóa. Việc kinh doanh các mặt hàng đồ lễ, trên thực tế đã tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho một số hộ gia đình, người dân sinh sống trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng người dân và du khách thực hiện việc dâng cúng, đốt vàng mã tại Nghĩa trang Hàng Dương, các điểm di tích trên địa bàn huyện ngày càng nhiều và đã xuất hiện các vấn đề bất cập, có biểu hiện bị lạm dụng, biến tướng sang các hình thức mê tín dị đoan. Việc tự do tuyên truyền, quảng cáo của một số cá nhân, cơ sở kinh doanh đồ lễ trên không gian mạng như: zalo, facebook, youtube, tiktok,... về các nghi thức, lễ cúng tại di tích có biểu hiện mê tín dị đoan, sai lệch lịch sử, tạo thông tin không đúng về giá trị của di tích, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Côn Đảo.
Theo ước tính, trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 1.400 - 1.600 bộ vàng mã được hóa (đốt) tại các điểm di tích trên địa bàn huyện; nơi đốt vàng mã trong các di tích đã xuất hiện tình trạng quá tải, gây khói bụi độc hại ô nhiễm môi trường, làm xuất hiện nguy cơ cháy nổ, đồng thời phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự, gây phiền hà, ảnh hưởng đến sức khỏe của 2 người dân và lãng phí nguồn lực xã hội.
Những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn số 31/CV-HĐTS ngày 12/02/2018 về việc đề nghị loại bỏ tục đốt vàng tại các cơ sở thờ tự Phật giáo; theo đó “đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào, Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”.
Trước thực trạng trên, UBNDhuyện Côn Đảo đã ban hành Kế hoạch số 170/ KH-UBND ngày 7/6/2023 về việc Triển khai thực hiện chủ trương hạn chế tiến tới dừng dâng cúng, đốt vàng mã tại các điểm di tích, khu di tích trên địa bàn huyện Côn Đảo nhằm góp phần bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong khuôn viên di tích, bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, bảo đảm an ninh trật tự và hướng tới việc thực hiện hiệu quả hơn chủ trương “du lịch văn minh”, xây dựng huyện Côn Đảo ngày càng “văn minh, giàu đẹp”.
Lộ trình thực hiện:
Từ ngày 10/6/2023 – 10/9/2023: tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động bằng nhiều Hình thức tuyên truyền khác nhau: truyên truyền trực tiếp tại các Khu, điểm di tích; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…
Từ ngày 11/9/2023 – 30/9/2023: Thực hiện việc dừng dâng cúng, đốt vàng mã tại một số điểm di tích do huyện quản lý và hạn chế việc dâng cúng, đốt vàng mã tại một số điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo quản lý
Từ ngày 1/10/2023: Thực hiện việc dừng dâng cúng, đốt vàng mã tại tất cả các điểm di tích, khu di tích trên địa bàn huyện. Đối với các hành vị vi phạm quy định sẽ thực hiện xử phạt thep Nghị định 38/2021/NĐ-CP, ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Luật Phòng cháy chữa cháy và các quy định khác liên quan đến an toàn, môi trường, trật tự đô thị.
Tác giả bài: hngan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn