Bàn về liên kết phát triển du lịch địa phương

Thứ năm - 23/05/2019 22:55
(Theo VTR) - Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang xúc tiến việc liên kết phát triển du lịch. Xu hướng đó xuất phát từ những nguyên nhân sau: mặc dù lượng khách du lịch (đặc biệt là khách du lịch quốc tế) đến có xu hướng tăng nhưng thời gian lưu trú bình quân và chi tiêu bình quân của một ngày khách còn thấp dẫn đến thu nhập từ du lịch chưa cao; do nhu cầu cần đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch nội địa của các địa phương... 

Tuy nhiên, hoạt động này có đạt hiệu quả cao hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố khác nhau. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý du lịch ở các cấp, các nhà quản trị kinh doanh du lịch cung ứng các dịch vụ du lịch cần nghiên cứu, tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương để đưa ra được những giải pháp hữu hiệu.

Những nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến liên kết phát triển du lịch

Những nhân tố từ phía cầu du lịch

Nếu các địa phương muốn liên kết phát triển du lịch hiện đang khai thác các thị trường mục tiêu có đặc điểm tương đồng nhau thì việc triển khai liên kết phát triển du lịch sẽ gặp thuận lợi hơn. Ngược lại, nếu các địa phương đang khai thác các thị trường mục tiêu có đặc điểm rất khác nhau, thì việc triển khai liên kết phát triển du lịch sẽ khó khăn hơn. Ví dụ: Thị trường mục tiêu hiện tại Du lịch Quảng Ninh đang khai thác mạnh nhất là thị trường khách Trung Quốc đi du lịch ngắn ngày, mục đích chính là tham quan vịnh, nghỉ dưỡng biển và có khả năng chi trả không cao. Trong khi đó, nếu TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh miền Trung, miền Nam muốn thu hút thị trường khách Trung Quốc thì chỉ có thể nhắm tới những người có khả năng đi du lịch dài ngày hơn, có khả năng chi trả cao hơn.

Những nhân tố từ phía cung du lịch

Sự khác nhau trong chủ trương, chiến lược, chính sách phát triển du lịch nếu các địa phương muốn liên kết phát triển du lịch không có những điểm tương đồng trong chủ trương, chiến lược, chính sách về phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế mũi nhọn; về sự cần thiết phải liên kết theo xu hướng đa dạng hóa sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai các hoạt động liên kết phát triển du lịch.

Cơ sở vật chất hạ tầng xã hội (hệ thống giao thông, cầu cống, nhà ga, sân bay, bến cảng, cấp thoát nước,…) và các dịch vụ bổ trợ (đặc biệt là dịch vụ vận chuyển, ngân hang - tài chính, bưu chính - viễn thông, y tế,…) không đồng bộ sẽ khó có thể đảm bảo việc kết nối các điểm du lịch tại các địa phương khác nhau trong tuyến du lịch. Ví dụ, trên thực tế, nếu muốn có một chuyến du lịch kết nối giữa Hạ Long với các điểm đến của khu vực Nam Trung Bộ và miền Nam thì cách thức vận chuyển khách phù hợp nhất sẽ là đường không. Song, do Quảng Ninh chưa có sân bay nên khách phải di chuyển đến sân bay tại Hải Phòng hoặc sân bay tại Hà Nội. Vừa qua, một số khách du lịch Nga cho biết, họ cảm thấy rất mệt vì khi đến du lịch tại Bình Thuận, sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, họ phải tiếp tục di chuyển 4 tiếng bằng ô tô. 

Công tác quản lý điểm đến du lịch tại các địa phương có mức độ rất khác nhau. Có địa phương công tác này được thực hiện rất tốt: cảnh quan, môi trường sạch đẹp, không có tệ nạn các doanh nghiệp bắt chẹt khách, người dân đeo bám khách,… Song, có địa phương công tác này được thực hiện rất lỏng lẻo, gây rất nhiều phiền hà cho khách. Do vậy, để đảm bảo chữ tín có nhiều doanh nghiệp không muốn đưa khách của mình đến các điểm đến có công tác quản lý không tốt. Đây là một nhân tố rất quan trọng mà các địa phương khi muốn liên kết phát triển du lịch cần quan tâm.  

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch không đa dạng, có chất lượng không đồng đều để đáp ứng các đối tượng khách hàng khác nhau. Hiện nay, việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các điểm đến của Việt Nam rất khác nhau. Tại nhiều điểm đến, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho đối tượng khách du lịch có khả năng chi trả cao, đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao còn rất thiếu. Đây cũng là một vấn đề mà mỗi địa phương khi muốn liên kết phát triển du lịch cần cân nhắc, cần dựa trên các đặc điểm của nguồn khách mà lựa chọn các địa phương để liên kết cho phù hợp.

Trình độ không đồng đều của nhân lực du lịch. Thực tế hiện nay cho thấy, chất lượng phục vụ du lịch tại các điểm đến của các tỉnh từ Nam Trung Bộ trở vào được cả khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa đánh giá cao hơn chất lượng phục vụ du lịch tại các điểm đến của các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra. Chất lượng phục vụ, đặc biệt là thái độ phục vụ của nhân viên là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách, ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ thành phần trong chương trình du lịch, từ đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình du lịch bao gồm các điểm đến khác nhau trên địa bàn của các địa phương liên kết phát triển du lịch.    

Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển du lịch

Để việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương được thực hiện một cách có hiệu quả, các địa phương cần chú ý đến một số giải pháp sau:

Xây dựng chính sách phát triển du lịch phù hợp với định hướng liên kết phát triển du lịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch và đẩy mạnh khai thác nguồn khách du lịch nội địa.

Nâng cao nhận thức về du lịch, về tầm quan trọng của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hợp tác trong hoạt động nghiên cứu thị trường để xác định các thị trường mục tiêu mà các địa phương muốn liên kết phát triển du lịch cùng hướng tới.

Nghiên cứu phát triển các sản phẩm đặc thù của từng địa phương, trên cơ sở đó thiết kế các tuyến du lịch hấp dẫn, phù hợp kết nối giữa các địa phương với nhau. Ví dụ: Hạ Long kết nối với các điểm du lịch miền Trung nơi có các di sản tạo ra “Tuyến du lịch di sản”, Hạ Long kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ tạo ra “Tuyến du lịch tham quan, mua sắm và du lịch miệt vườn”...

Cùng nhau thực hiện các hoạt động xúc tiến điểm đến tới các thị trường mục tiêu đã được lựa chọn.

Nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng xã hội, bổ sung và hoàn thiện các dịch vụ bổ trợ để việc kết nối các điểm đến tại các địa phương khác nhau trong tuyến du lịch cung ứng cho khách được thuận lợi nhất, để tạo điều kiện đảm bảo chất lượng đồng bộ cho chương trình du lịch cung ứng cho khách.

Hoàn thiện công tác quản lý điểm đến để tạo môi trường du lịch tương đồng giữa các địa phương liên kết phát triển du lịch, để khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch một cách có hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch.

Rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch để có kế hoạch đầu tư có trọng điểm, đạt hiệu quả cao.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp ứng xử để đảm bảo có được chất lượng phục vụ, đặc biệt là thái độ phục vụ tốt ở các điểm đến khác nhau tại các địa phương liên kết phát triển du lịch.

Nguồn tin: Theo Tạp chí Du lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập387
  • Hôm nay18,431
  • Tổng truy cập22,926,503
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây