Ngành du lịch trước khí thế mới để mở cửa an toàn

Thứ năm - 30/09/2021 09:33
Các địa phương “vùng xanh” đều sẵn sàng đồng hành cùng chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc” và chuẩn bị các kịch bản chi tiết để mở cửa du lịch một cách linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới.

Du lịch vượt qua khủng hoảng COVID-19
Theo đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy tại chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc”, việc khởi động du lịch nội địa toàn quốc có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời cho thấy, doanh nghiệp du lịch sẵn sàng đồng hành cùng ngành du lịch trong việc khắc phục những tồn tại, khó khăn.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành du lịch trong thời gian qua, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch, ông Vũ Thế Bình cho biết, mỗi đợt dịch bùng phát, toàn bộ ngành du lịch gần như ngừng hoạt động, hơn 2 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp phải nghỉ việc. Tuy nhiên, không vì thế các doanh nghiệp du lịch, các địa phương bỏ cuộc mà trong suốt 4 đợt dịch, cứ mỗi lần dịch được kiểm soát là hàng loạt chương trình kích cầu du lịch được tung ra để thu hút khách du lịch.
“Du lịch an toàn” đã trở thành một yêu cầu bắt buộc trong mọi hoạt động của toàn ngành. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa cũng được quan tâm nhiều hơn. Theo ông Vũ Thế Bình, đây chính là thời điểm cần phải khôi phục du lịch nội địa. Thông qua thực tiễn để có những điều chỉnh và thống nhất về du lịch an toàn.
Cùng quan điểm trên ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc VietfootTravel cho rằng, ngành du lịch cần đánh giá và định vị lại chính sách cho khách nội địa trong những năm tới, trong đó làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường này.

vn1

Các địa phương chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khởi động du lịch an toàn
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, việc khởi động du lịch nội địa toàn quốc là cầu nồi giữa các địa phương, doanh nghiệp du lịch với cơ quan quản lý, là bước đệm giúp các doanh nghiệp dần hồi phục. Tuy nhiên, việc khởi động phải bảo đảm an toàn cho du khách.
Chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc” đã có sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở Trung ương, Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố và hàng ngàn doanh nghiệp du lịch. 
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, để cho hoạt động du lịch trở lại được hiệu quả, an toàn cần sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ, điểm đến, chính quyền và cơ quan quản lý, tổ chức hiệp hội. Các sản phẩm du lịch, lộ trình di chuyển, lưu trú cần phải được thực hiện đúng quy trình và bài bản, bảo đảm an toàn cho du khách.
Sở Du lịch Hà Nội đã tham mưu với UBND TP. Hà Nội xây dựng chi tiết kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô gắn với phòng, chống dịch COVID-19 từ nay đến cuối năm. Các giai đoạn khôi phục hoạt động du lịch bám sát kịch bản diễn biến dịch của Bộ Y tế đang xây dựng để thống nhất ban hành và dựa trên hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19”.
Dự kiến trong tháng 10/2021, du lịch Hà Nội sẽ triển khai hoạt động theo giai đoạn 3: Cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện hoạt động trở lại. Giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch Thủ đô. Sau khi TP. Hà Nội chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, Sở Du lịch sẽ đánh giá tình hình và kiến nghị triển khai giai đoạn 4, cho phép các doanh nghiệp du lịch hoạt động bình thường, được đón khách tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón khách. Đến nay về cơ bản Đà Nẵng đã có bộ tiêu chí du lịch an toàn. Vì vậy, Đà Nẵng lên lộ trình đón khách vào tháng 12/2021 khi tỷ lệ người dân Đà Nẵng được tiêm vaccine COVID-19 đạt 80%. Trước mắt, Đà Nẵng đón khách trong địa bàn.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết cũng sẵn sàng các điều kiện để khởi động du lịch an toàn. Hà Giang cũng đang áp dụng 6 biện pháp để phát triển du lịch như xây dựng điểm đến an toàn, đầu tư cơ sở vật chất và giảm giá dịch vụ…
Tại Khánh Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, Sở đã yêu cầu đơn vị nào 100% lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ được hoạt động. Dự kiến tháng 10, khi tất cả người dân trong tỉnh được tiêm mũi 1, Khánh Hòa sẽ đón khách du lịch nội địa.
Có thể nói với việc chương trình “Khởi động du lịch nội địa toàn quốc” áp dụng các nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát COVID-19 của Chính phủ, trong đó tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế và chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái “bình thường mới” với tư tưởng sống chung với COVID-19 là nỗ lực lớn của ngành du lịch trong điều kiện hiện nay giúp các địa phương phục hồi dần du lịch nội địa.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập84
  • Hôm nay29,960
  • Tổng truy cập21,313,983
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây