Các điểm tham quan du lịch văn hóa, lịch sử nổi tiếng của Côn Đảo.

Thứ sáu - 19/06/2020 13:50
Côn Đảo trong suốt 113 năm “địa ngục trần gian” giam cầm hàng vạn chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó có hơn 2 vạn người yêu nước đã ngã xuống tại đây. Và cũng trong suốt 113 năm ấy, Côn Đảo trở thành nơi tôi luyện ý chí kiên cường, bất khuất, là trường học cách mạng của những người cộng sản và những người yêu nước Việt Nam. “Côn Đảo đã trở thành tượng đài uy nghi về lòng yêu nước và tinh thần lạc quan cách mạng của bao lớp tù nhân từng có mặt và yên nghỉ vĩnh viễn tại đây, là điểm đến biểu thị niềm trân trọng và ngưỡng mộ của nhân dân, bạn bè quốc tế hôm nay”
1. Điểm tham quan di tích Dinh Chúa Đảo
Nằm trên đường Tôn Đức Thắng, khi đến trung tâm thị trấn Côn Đảo du khách có thể đi bằng ôtô hoặc xe máy, xe đạp hay đi bộ đều có thể đến điểm tham quan di tích này. Dinh Chúa đảo, hay còn gọi là Dinh ông lớn, Dinh tỉnh Trưởng, hình thành vào khoảng năm 1862 – 1876, cùng với các cơ sở hạ tầng trên đảo. Dinh Chúa đảo nằm trong một khuôn viên rộng chừng 02 ha, bao gồm: Nhà chính, nhà phụ và sân vườn, nằm đối diện với Cầu Tàu lịch sử 914. Tại đây, có 53 đời Chúa đảo sinh sống và làm việc trải qua 113 năm ( 1862 – 1975). Là đầu não trung tâm của hệ thống nhà tù, tất cả bộ máy cai trị tù trên đảo đều dưới quyền điều khiển của Chúa đảo. Di tích Dinh Chúa đảo đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào ngày 10/5/2012
 2. Điểm tham quan di tích nhà Công Quán
Nằm ngay trung tâm thị trấn Côn Đảo, du khách rất dễ dàng tìm đến khu di tích Công Quán trên đường Tôn Đức Thắng, đến tham quan ngôi nhà đã được thực dân Pháp xây dựng từ cuối thế kỉ XIX, với diện tích 150 m2 , hiện nay di tích Công Quán đã được trùng tu trong quần thể dinh Chúa đảo. Tại đây đại nhạc sỹ kì tài nước Pháp là Camille saint Saens đã lưu lại tròn một tháng ( 20/3 – 19/4/1895). Trong thời gian gần một tháng ở Côn Đảo ông từng chứng kiến cảnh tù nhân làm khổ sai hàng ngày như: Ngâm mình hàng mấy giờ đồng hồ dưới nước để lấy san hô về nung vôi, làm khổ sai phá đá mở đường, kéo gỗ….Ông không thể hình dung được với sự tra tấn dã man mà người tù vẫn lạc quan như thế, cộng với vẽ đẹp thiên nhiên Côn Đảo mà ông đã cảm nhận được. Khi trở về phòng ông đã thức trắng đêm và hoàn tất chương cuối của vở nhạc kịch “ Brunechilda”. Nổi niềm trăn trở của ông còn lưu lại trong bức thư gởi chúa đảo Jacke…  “Ở đâu cái đẹp được tôn trọng, ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp”. Nếu có thể, du khách đến đây vào buổi sáng sớm để được ngắm biển Vịnh Côn Sơn thật đẹp khi bình minh vừa thức giấc. Di tích Công Quán đã được thủ Tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào ngày 10/5/2012.
3. Điểm tham quan di tích Nghĩa trang Hàng Dương
Đến với Côn Đảo, du khách sẽ được đến tham viếng Nghĩa trang Hàng Dương đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài 113 năm đã lần lượt hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc. Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2, theo số liệu ước định có hơn 2 vạn tù nhân yêu nước yên nghỉ tại Côn Đảo. Năm 1992 Nghĩa trang Hàng Dương đã được khởi công trùng tu, tôn tạo. Nghĩa trang Hàng Dương có 4 khu mộ. Khu A có mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh; Khu B có mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Võ Thị Sáu, Lê Chí Hiếu; Khu C có mộ Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Việt; Khu D là nơi quy tập các phần mộ từ Nghĩa trang hàng Keo, Hòn Cau….Ngày nay, nhằm tôn vinh các Anh hùng Liệt sĩ và những người yêu nước Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh tại Côn Đảo, đồng thời tố cáo tội ác dã man của chế độ nhà tù Côn Đảo dưới hai thời kỳ Thực dân kiểu cũ và mới, một hệ thống các công trình mỹ thuật có tính khái quát cao đã được xây dựng như: khu hành lễ với tượng đài chính và phù điêu lịch sử Côn Đảo, khu vườn đá với phù điêu Bất Khuất, tượng Thủy chung và tượng Hy vọng.
Di tích Nghĩa trang Hàng Dương đã được Thủ Tướng chính phủ ký quyết định 548/ QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
4. Điểm tham quan di tích Nghĩa trang hàng Keo
Nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, du khách đến tham quan và thắp nén hương nơi nghĩa trang Hàng Keo. Nghĩa trang có diện tích 80.000m2 , đây là nơi vùi chôn khoảng 10.000 tù nhân bị thực dân Pháp giết hại tại nhà tù Côn Đảo từ đầu thế kỷ XX cho đến giai đoạn khủng bố trắng 1940-1941. Câu nói “ đi Hàng Keo” là lối nói của người tù khi tiễn bạn về nơi an nghỉ còn lưu truyền mãi cho tới ngày nay câu thơ ai oán:
“ Côn Lôn đi dễ khó về
Sống nương núi Chúa, thác về hàng Keo”.
Năm 1997, các phần mộ tìm thấy ở đây đã được cải táng di dời về khu D - Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo. Hiện nay chỉ còn lại rừng cây tự nhiên và những hài cốt của tù nhân còn nằm dưới lòng đất không còn dấu vết. Khu vực nghĩa trang Hàng Keo xưa, nay đã được Nhà nước lập bia tưởng niệm tại Di tích. Di tích Nghĩa trang Hàng Keo đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định số 548/ QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
5. Điểm tham quan di tích Sở Cò
Nằm trên đường Lê Duẩn, du khách có thể đi bằng ôtô hoặc xe máy, xe đạp hay đi bộ đều có thể đến điểm tham quan di tích này. Di tích Sở Cò do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1929, nhằm phục vụ cho bộ máy cai trị tù, Bước sang giai đọan đế quốc Mỹ, ngôi nhà này là trụ sở Quân cảnh. Đặc biệt, Sở Cò là nơi lưu lại những giờ phút cuối đời của nữ tù chính trị đầu tiên và duy nhất thời thực dân Pháp đó là Võ Thị Sáu. Khi đưa ra pháp trường tại Côn Đảo, đang cận kề với cái chết nhưng chị vẫn giữ vững khí phách của người Cộng sản, lạc quan tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Gương kiên trung bất khuất của chị đã trở thành niềm tự hào của tuổi trẻ cả nước khi nhắc đến tên chị.
Hiện nay, di tích Sở Cò được trùng tu, tôn tạo và sử dụng làm phòng trưng bày lưu niệm Nữ Anh hùng Võ Thị Sáu. Di tích Sở Cò đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
6. Điểm tham quan di tích Cầu Tàu lịch sử 914
Nằm ngay trước Dinh Chúa đảo, Cầu tàu hướng thẳng ra vịnh Côn Sơn, để đến tham quan di tích Cấu tàu lịch sử 914, du khách đi theo con đường Tôn Đức Thắng. Được khởi công xây dựng từ năm 1873 với chiều dài hơn 100m. Dấu ấn còn đọng lại với thời gian là những tảng đá to hàng thước khối nằm sắp lớp, nặng nhiều tấn đã làm kiệt quệ và đè nát bao nhiêu thân tù đày. Con số 914 cũng chỉ mang tính tượng trưng về số người tù đã chết khi làm cầu tàu này, đây là nơi người tù đặt chân lưu đày đầu tiên khi ra Côn Đảo. Nơi đây từng rợp bóng cờ bay ngày Cách mạng tháng Tám thành công (1945), ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (1975), chứng kiến hàng nghìn tù nhân tự do trở về đất liền. Giờ đây, dù đã xa cái thời đau thương ấy nhưng trong từng viên đá như còn âm vang những câu ca: “Côn Lôn ơi, viên đá mạng người…”
Di tích Cấu tàu lịch sử 914 đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
7.  Điểm tham quan di tích Cầu Ma Thiên Lãnh
Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo, đi theo đường Võ Thị Sáu đến cuối đường, du khách sẽ đi theo con đường nhỏ để tới di tích Cầu Ma Thiên Lãnh. Cầu Ma Thiên Lãnh xây dựng năm 1930, nơi đây vẫn còn hai mố cầu xây dựng dở dang, Thực dân Pháp mở con đường từ ngã ba Núi Chúa qua Bãi Ông Đụng nhằm khai thác cây gỗ, đá phục vụ công việc xây dựng trại giam, các công sở…và lập nên những trạm kiểm soát đề phòng tù nhân vượt ngục. Do địa thế núi non hiểm trở, lại phải lao dịch nặng nề, ăn uống đói khát, bệnh tật, nên theo nhẩm tính đã có 356 người tù bỏ mình nơi đây, con số này chỉ mang tính ước lệ. Ma Thiên Lãnh là tên mà người tù đặt theo ngọn núi Ma Thiên Lãnh của Triều Tiên. Di tích Cầu Ma Thiên Lãnh đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định số 548/ QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
8. Điểm tham quan di tích Sở Lò Vôi
Nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, từ trung tâm du khách có thể di chuyển bằng xe đến tham quan Di tích Sở Lò Vôi. Đây là một trong 18 sở tù khổ sai do Thực dân Pháp xây dựng nhằm khai thác triệt để sức lao động của tù nhân. Lò Vôi xây dựng từ năm 1864, chuyên nung san hô cung cấp cho toàn đảo, ở đây có 4-5 kíp tù trông coi việc đốt lò chủ yếu, lao động khổ sai ở đây chia làm hai kíp: Một kíp thường xuyên bám biển lặn san hô, mỗi tháng phải có 4 sà lan san hô, một kíp 12 người chuyên đưa san hô vào đốt lò nung thành vôi xây dựng nhà cửa, cầu đường. Nơi đây được xem như một bản cáo trạng về chính sách khai thác sức lao động của tù nhân. Ngày đi làm khổ sai tối về nhốt phòng giam trong cái đói rét, lạnh lẽo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, người tù có thể chết bất kỳ lúc nào với những hình thức này. Bước sang giai đọan đế quốc Mỹ, nhà giam này thành nơi đóng quân và xây thêm một căn nhà phụ tại khu vực này.
Di tích Sở Lò Vôi đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
9. Điểm tham quan khu di tích Chuồng Bò
Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo du khách đi dọc theo con đường Võ Thị Sáu để đến khu di tích Chuồng Bò, là một sở tù do thực dân Pháp xây dựng năm 1930, dùng để tạm giam tù nhân ở sở này, gồm 09 phòng giam, nằm kề bên là 24 hộc nuôi heo và đối diện có 02 chuồng nuôi bò cùng với một hầm chứa phân, nước thải từ chuồng nuôi bò. Bước sang giai đọan đế quốc Mỹ, nơi đây dùng để giam giữ những tù chính trị chống chào cờ bị còng xiềng cấm cố lâu ngày bị teo cơ bại liệt về giam ở đây. Từ năm 1973, Chuồng Bò là văn phòng của tiểu Ban điều tra khai thác thuộc Ban chuyên môn. Những người tù bị tình nghi trong hoạt động đấu tranh bị đưa về đây để khai thác. Ban chuyên môn áp dụng nhiều hình thức điều tra tàn bạo như đánh đập bằng củi đòn, nẹp 2 thanh tre vào ống chân…nhiều tù nhân đã bị bại liệt, tàn phế bởi đòn tra tấn và chế độ đày ải ở Chuồng Bò. Di tích Chuồng Bò đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
10. Điểm tham quan di tích trại Phú Thọ
Nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, du khách có thể đi bộ hoặc di chuyền bằng xe để đến tham quan di tích trại Phú Thọ có tên gọi khác là Banh III. Trại Phú Thọ do thực dân Pháp xây dựng năm 1928. Nơi đây đồng chí Vũ Văn Hiếu người Bí thư đầu tiên Đặc khu mỏ Hòn Gai đã trút hơi thở cuối cùng trong phòng cấm cố. Phút lâm chung đồng chí đã trao tấm áo cho người bạn tù Lê Duẩn với lời trăn trối: “Ráng sống mà phục vụ cho cách mạng”. Liệt sỹ Vũ Văn Hiếu đã trở thành biểu tượng của người cộng sản: “Sống vì đảng - chết cũng không rời Đảng”, và trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ sỹ sáng tạo Tượng đài trao áo qua câu thơ:
Chết còn cởi áo cho nhau
Chén cơm dành để người sau ấm lòng”.
                                      (Tố Hữu)
Di tích trại Phú Thọ đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
11. Điểm tham quan di tích trại Phú Tường.
Nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, du khách có thể đi bộ hoặc di chuyển bằng xe để đến tham quan di tích trại Phú Tường. Trại Phú Tường do thực dân Pháp xây dựng năm 1940, đầu tiên có tên gọi là Banh III phụ, còn có các tên gọi Lao III phụ, Trại phụ Bác Ái, trại IV và cuối cùng đổi tên là trại Phú Tường, với tổng diện tích 5.804m2 , bao gồm: 8 phòng giam chia làm hai dãyLà nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày ải bao thế hệ chiến sĩ các mạng, những người yêu nước Việt Nam, đồng thời là nơi thể hiện khí phách kiên cường đấu tranh của tập thể tù nhân bị giam giữ ở đây. Di tích trại Phú Tường đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
12. Điểm tham quan di tích trại Phú Phong.
Nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, du khách có thể đi bộ hoặc di chuyển bằng xe để đến tham quan di tích trại Phú Phong, đây là trại giam độc lập không nằm trong quần thể khu Chuồng cọp Pháp.  Năm 1962 đế quốc Mỹ đã cho xây dựng trại V nhằm mở rộng hệ thống nhà tù, sau hiệp định Pari đổi tên là trại Phú Phong, Gồm 12 phòng giam chia làm ba dãy, mỗi dãy có 4 phòng và 1 nhà bếp,..với tổng diện tích 3.594m2, mái lợp bằng fibroximăng, được che chắn phía trước khu Chuồng cọp Pháp. Năm 1965, địch giam một bộ phận tù binh và tù câu lưu dân sự mới bị đày ra Côn Đảo. Đây là nơi diễn ra nhiều cuộc đàn áp của địch, đồng thời cũng là nơi biểu dương tinh thần đấu tranh kiên cường của tập thể nữ tù và tù nhân bị giam giữ tại đây. Di tích trại Phú Tường đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
13. Điểm tham quan di tích trại Phú An.
Du khách đi theo đường Nguyễn Văn Cừ, đi đến một con đường nhỏ để vào tham quan di tích trại Phú An. Trại Phú An được Mỹ ngụy xây dựng, khi mới xây dựng nơi đây có tên gọi là trại 6, sau này đổi là trại Phú An, gồm 20 phòng giam, chia làm 02 khu: A và B, mỗi khu có 10 phòng được bố trí thành hai dãy đối diện nhau và có một khu biệt lập gồm 4 xà lim. Tổng diện tích 42.140m2. Khác với trại giam do thực dân Pháp xây dựng, các công trình phụ như nhà bếp, bệnh xá, kho lương thực, thực phẩm thì được bố trí trước cổng trại, còn các phòng giam thì ẩn sâu bên trong. Đảng bộ mang tên người chiến sỹ kiên cường Lưu Chí Hiếu đã được thành lập tại đây vào ngày 3/02/1972. Đến cuối năm 1974, nắm được tinh thần Hiệp định Paris, Đảng ủy, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đã thành lập Ban quân sự, Ban an ninh để chuẩn bị đón thời cơ tự giải phóng. Di tích trại Phú An đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 10/5/2012.
 

Nguồn tin: Tin ảnh, Hải Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay12,173
  • Tổng truy cập20,330,313
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây