Nằm về phía Đông của đảo Côn Sơn, có diện tích 683 ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới hải đảo, về động vật hoang phân bố các đặc hữu, quý, hiếm như Sóc mun, Sóc đen Côn Đảo, kỳ đà, trăn, rắn, một số loài chim biển...
Hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực bãi Bờ Đập là rừng ngập mặn nguyên sinh được hình thành trên nền cát lẫn san hô chết. Mặc dù với diện tích không lớn (khoảng 5,1 ha) nhưng sự tồn tại của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã góp phần hoàn chỉnh tính liên kết giữa các hệ sinh thái như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô.
Tài nguyên biển xung quanh hòn Bảy Cạnh có dạng sinh học cao, với nhiều loài sinh vật biển như: các rạn san hô với thành phần loài đa dạng, các loài trai, ốc, hải sâm, cá sống trong rạn san hô, rùa biển, cỏ biển, rong biển….nên được quy hoạch là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái phục vụ cho công tác bảo tồn thiên nhiên.
Bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cạnh là 01 trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo. Trong mùa sinh sản (từ tháng 4 – 9 hàng năm), đêm ít nhất 1 – 2 cá thể, đêm nhiều có từ 20 – 30 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng.
Ngọn Hải Đăng ở phía Đông Bắc đảo do Pháp xây dựng từ năm 1884 đến nay vẫn đang hoạt động, hướng dẫn tàu thuyền đi lại trong khu vực. Du khách đi theo đường mòn ven núi lên ngọn Hải Đăng để ngắm nhìn cảnh quan bao la và hùng vỉ của trời và biển Côn Đảo.