Đa dạng tiềm năng phát triển du lịch
Thiên nhiên Côn Đảo xanh mát (Ảnh: Internet) |
Nhiều định hướng quy hoạch được ban hành nhằm xây dựng Côn Đảo phát triển đồng bộ, hiện đại gắn với bảo tồn phát huy giá trị của địa phương, khai thác được các giá trị cảnh quan và di tích đặc thù, mở ra các hướng phát triển tiềm năng.
Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 05/9/2012, Thủ tướng Chính phủ xác định “Côn Đảo là một đảo du lịch đặc sắc, độc đáo có tầm quốc gia và quốc tế. Có môi trường du lịch, môi trường dịch vụ đô thị và môi trường sinh thái biển - đảo hướng tới sự đa dạng, hấp dẫn theo hướng bền vững, phát triển đồng thời bảo vệ được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và lịch sử văn hoá của đảo, thu hút du khách, dân cư và các nguồn đầu tư phát triển”.
Khách du lịch tham gia thả rùa con về biển Côn Đảo, một trong những hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học nổi bật tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Tỉnh BR-VT cũng đã định hướng quy hoạch là phát triển Côn Đảo theo hướng gắn kết với TP.Vũng Tàu, Long Hải - Phước Hải, các tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với TP.Hồ Chí Minh và toàn vùng Đông Nam Bộ.
Hiện nay, Côn Đảo đang trong bối cảnh phát triển mới trong mối tương quan với các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh quan trọng đã và đang triển khai, tầm nhìn chiến lược Đảng và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, của tỉnh với sự hội nhập sâu rộng quốc tế, nền kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0; biến đổi khí hậu.
Một góc trung tâm huyện Côn Đảo (Ảnh: Internet) |
Nhiều thách thức
Đầu tháng 10/2023, UBND tỉnh BR-VT tổ chức hội thảo lấy ý kiến đề án phát triển huyện Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại TP.Vũng Tàu.
Theo đánh giá của chuyên gia tại hội thảo này, Côn Đảo đang gặp phải một số vấn đề như: các ngành kinh tế phát triển với quy mô nhỏ, thiếu tính bền vững; còn thiếu cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển vào Côn Đảo. Du lịch phát triển còn chậm, chưa tạo dược nhiều sản phẩm và tuyến điểm du lịch mới so với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ; giao thông giữa Côn Đảo với đất liền còn khó khăn; sân bay nhỏ, hạn chế trong thu hút khách du lịch. Việc khai thác, sử dụng các tài nguyên, lợi thế sẵn có còn chậm, hiệu quả thấp, chưa tạo được bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội cho huyện; diện tích đất xây dựng không nhiều; nguồn nước ngọt hạn chế; chất lượng giáo dục, y tế còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, xử lý rác thải, thiếu nước sinh hoạt, hệ sinh thái đang có nguy cơ bị suy thoái do các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu…
Cảng Bến Đầm Côn Đảo. |
Cũng tại hội thảo, một chuyên gia đưa ra quan điểm gợi mở rằng, phát triển Côn Đảo nên gắn với bảo tồn các giá trị tài nguyên tự nhiên, văn hóa, xã hội và môi trường, là yêu cầu tất yếu trong định hướng phát triển du lịch bền vững. Cách tiếp cận này tập trung vào việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế ngắn hạn và bảo tồn lâu dài, đảm bảo rằng du lịch không gây hại môi trường và cộng đồng địa phương, mà ngược lại, góp phần vào sự phục hồi và bảo tồn. Việc phát triển du lịch cần lưu ý đến sức tải của môi trường, cơ sở hạ tầng, kinh tế và tiềm lực, khả năng chịu đựng của cộng đồng địa phương, nên tăng cường khả năng phục hồi, phát triển du lịch tái tạo.
Côn Đảo có thể tái sử dụng đất suy thoái cho canh tác nông nghiệp kết hợp du lịch. Cộng đồng địa phương tái tạo và bảo tồn các khu rừng nguyên sinh thông qua các khu nghỉ dưỡng sinh thái hay phục hồi đa dạng sinh học với việc bổ sung các loài hoang dã, hoặc các tour du lịch cho du khách trồng cây tại điểm đến, dựa vào hoạt động du lịch mà hồi sinh, khôi phục một di tích văn hóa lịch sử, một nghề, một sản phẩm thủ công truyền thống.
|
||
Mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu
Ngày 07/10/2022, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết nhấn mạnh: đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại các địa phương. Để cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ, của tỉnh BR-VT về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch Côn Đảo bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ sinh thái rừng biển, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng phát triển hiện đại và bền vững, nhiều văn bản đã được địa phương ban hành như Thông báo Kết luận số 288-TB/TU ngày 29/04/2021 của Thường trực Tỉnh ủy về việc triển khai Dự án Nhà máy nước sinh hoạt và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trên địa bàn huyện Côn Đảo và các văn bản triển khai về các nội dung quy hoạch, phát triển Côn Đảo của UBND tỉnh.
Khách đến Côn Đảo bằng đường tàu biển. |
Đặc biệt, ngày 16/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh BR-VT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể như: đến năm 2025 tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; tỷ lệ thu gom và xử lý nước mưa phục vụ sinh hoạt đạt 10% trong giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải cho các mục đích khác nhau đạt 10% vào năm 2030; tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 10% giai đoạn 2022-2025, tăng 30% giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ sản xuất và tiêu thụ các nguồn nguyên vật liệu tại chỗ đạt 10% trong giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ thu gom, sửa chữa, tân trang, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng đạt 10% vào năm 2025 và 15% trong giai đoạn tiếp theo.
Rừng ngập mặn ở Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo. |
Chia sẻ tại diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam với chủ đề “Tăng trưởng xanh và bền vững”, diễn ra tại TP. Vũng Tàu ngày 17/11/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Lê Ngọc Khánh cho biết: Tỉnh đang phát triển theo hướng du lịch xanh. Côn Đảo là địa phương đầu tiên của tỉnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại Côn Đảo, nhiều mô hình khuyến khích khách du lịch, người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa được triển khai và đem lại hiệu quả. Các tour du lịch nhặt rác, làm sạch biển, thu gom rác dưới rạn san hô, trồng rừng được nhiều doanh nghiệp xây dựng thu hút du khách.
Cụm di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo thu hút khách thăm viếng quanh năm. Trong ảnh: Du khách tham quan và nghe thuyết minh tại trại Phú Tường. |
Thời gian tới, BR-VT cần rà soát những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để có lộ trình thực hiện rõ ràng cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, xây dựng đô thị Côn Đảo theo mô hình kinh tế tuần hoàn theo đề án phê duyệt. Côn Đảo hướng tới mục tiêu hình thành một đô thị xanh, phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường rừng biển, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.
Du khách vui chơi tại bãi Đầm Trầm (Côn Đảo). |
Trong đó, Côn Đảo chú trọng xây dựng các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư và vấn đề thu hút nguồn lực, vốn đầu tư để thực thi từng nhiệm vụ giải pháp đề ra.
Chắc chắn trong thời gian tới, Côn Đảo sẽ có sự thay đổi tích cực, đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đề ra.
Tác giả bài: Nguyễn Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn