Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, tính đến 17h hôm qua, Hà Nội có 110 ca mắc Covid-19 (51 người khỏi, đã ra viện, 59 trường hợp đang điều trị). Trong đó đáng lưu ý thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh từ ca bệnh số 243 có liên quan đến yếu tố BV Bạch Mai, hiện ổ dịch tại đây đã ghi nhận 10 trường hợp mắc. Cụ thể, xóm Bằng: 5, xóm Hội: 3, xóm Đường 1, xóm Câu 1.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cùng 1 đội đáp ứng nhanh của CDC Hà Nội đã được tăng cường hỗ trợ cho huyện Mê Linh trong suốt thời gian khoanh vùng, cách ly. Sở Y tế nhận định tình hình ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh rất phức tạp, các ca mắc là nhân viên y tế, vì vậy dự báo trong thời gian tới có thể có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng.
Chợ hoa Mê Linh. Ảnh: Đ.Hiếu |
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị rà soát, xác định chợ hoa ở Mê Linh có liên quan như thế nào với tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Theo báo cáo sơ bộ của Chủ tịch UBND xã Mê Linh và huyện Mê Linh, chợ hoa được cung cấp hoa từ 2 nơi rất lớn. Đó là từ Đà Lạt và Lào Cai (trong đó có cả ở vùng Côn Minh - Trung Quốc), sau đó từ chợ hoa này phân phối cho tất cả các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.
Từ đây, Chủ tịch Hà Nội cho biết ông quan tâm đến 2 nhóm đối tượng là người dân ở 6 xóm thuộc thôn Hạ Lôi có trồng 100ha hoa và nhóm người cung cấp hoa trên địa bàn TP.
Về nhóm người cung cấp hoa, ông Chung phân tích: Hoa cúc chủ yếu dùng cho khu vực nhà tang lễ để làm vòng hoa, vì vậy người mua sẽ trực tiếp tiếp xúc người nhiễm, ngoài ra còn những người đến mua bán lẻ. Tiếp nữa là nhóm người đi giao hàng, vận chuyển hoa định kỳ thì có nơi chuyển theo đường hàng không, có nơi chuyển bằng ô tô nên đối tượng tiếp xúc chủ yếu là người bốc vác và lái xe.
Thông báo của Bộ Y tế chưa chỉ rõ nhóm đối tượng này, theo lãnh đạo Hà Nội phải khoanh được nhóm đối tượng chính xác để triển khai các biện pháp.
Đánh giá nguy cơ, ông Chung cho rằng nhóm cung cấp hoa này đi đến tất cả các cơ quan, giao hoa cho các đại lý đến người mua, nếu truy xét theo con đường nhánh, mọi ngóc ngách thì có thể đến cả trụ sở UBND TP.
Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý đến những nơi có nguy cơ như huyện Mê Linh, huyện Đông Anh, các quận có nhà tang lễ như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng hay quận Tây Hồ có chợ hoa Quảng Bá, yêu cầu xác minh rõ số người mua bán hoa.
14 ngày sóng gió với Hà Nội
Ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các quận huyện trong quá trình xác minh, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm thì rút ra kinh nghiệm gì. Ông đánh giá: "Sau 14 ngày tương đối sóng gió với Hà Nội, từ những ca đầu tiên phát hiện ngày 6/3 đến nay đã được 36 ngày, hiện TP vẫn là địa bàn nóng bỏng và có số ca nhiễm nhiều nhất. Đặc biệt số ca lây nhiễm cộng đồng cũng nhiều nhất, có ổ dịch lớn nhất là Bạch Mai".
Sau khi bàn bạc với Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng với việc xem lại hết camera phòng ăn của công ty Trường Sinh ở tầng 2 Trung tâm dinh dưỡng BV Bạch Mai, Chủ tịch TP nhận thấy tất cả nhóm nữ bị nhiễm ngồi ăn cùng với nhau.
"Từ ngày 20-25/3, các buổi trưa ngồi ăn với nhau không có khẩu trang, các ca nhiễm ở Ninh Bình, Hoài Đức, Lai Châu cũng ngồi ăn ở đúng bàn đó. Còn các nhân viên nam của công ty Trường Sinh thì ăn ở góc khác nên không bị nhiễm", ông thông tin.
Lực lượng y tế làm nhiệm vụ tại ổ dịch Hạ Lôi. Ảnh: Minh Đạt |
Về việc công bố các ca bệnh, Chủ tịch Hà Nội đã trực tiếp báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Giai đoạn 1 Bộ Y tế giao cho CDC Hà Nội xét nghiệm để loại trừ, giai đoạn 2 cho phép Hà Nội xét nghiệm để khẳng định từ đây TP có yêu cầu nếu đã cho xét nghiệm khẳng định thì nên cập nhật và công bố luôn.
Ông Chung lấy ví dụ về ca bệnh Ban chỉ đạo TƯ công bố chiều hôm qua, Hà Nội đã thông báo từ chiều hôm kia thì lẽ ra sáng hôm qua Ban chỉ đạo TƯ nên công bố nhưng lại để đến chiều, dẫn đến chỉ đạo không đồng bộ, nhất quán, buổi sáng theo dõi thấy không có ca mới tạo ra sự phân tâm cho người dân.
"Đề nghị Sở Y tế, CDC Hà Nội có quan điểm rõ ràng, tập hợp thì phải phân tích chứ không nêu số liệu chung" ông Chung nói.
Nguồn tin: Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn