Từ một chủ quán cà phê trên đảo...
Côn Đảo, ai đặt chân đến nơi này chắc chắn sẽ say đắm ngay từ lần đầu tiên, bởi vẻ đẹp không thể cưỡng lại của hòn ngọc trên Biển Đông. Và anh Đan Vi Phương cũng không ngoại lệ.
Anh Phương vốn sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh. Anh mới ra Côn Đảo năm 2018, nhưng rồi vì mê Côn Đảo, anh đã quyết định gắn bó với hòn đảo tuyệt đẹp và linh thiêng này. Anh Phương chia sẻ, anh chú ý đến Côn Đảo trong một lần gặp trang Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Anh) năm 2017 bình chọn Côn Đảo vào top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á của năm. Anh đã đến và “phải lòng” Côn Đảo từ đó, vẻ đẹp quyến rũ của Côn Đảo khiến anh không thể chối từ và quyết định gắn bó đến bây giờ.
Chia sẻ về nhân duyên quyết định gắn bó với Côn Đảo, anh Phương cho biết: “Tôi làm về du lịch du khảo xuyên Việt, tôi đã đi rất nhiều nơi và Côn Đảo là một trong những nơi tôi đến. Tôi cảm thấy Côn Đảo còn giữ được nét hoang sơ, tình người thân thiện và an toàn, vì vậy anh muốn gắn bó với hòn đảo xinh đẹp này”.
Từ bỏ phố thị xa hoa để trở thành dân đảo, anh Phương mở một quán cà phê nho nhỏ và đón những du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, anh Phương có trò chuyện với nhóm bạn người nước ngoài sinh sống ở Côn Đảo. Cả hai bên đều nhận ra rằng, rác trên Côn Đảo chủ yếu là rác thải đại dương, người dân trên đảo hầu như không xả rác mấy. Vì vậy, anh Phương và nhóm bạn đã thành lập Nhóm Trash2Art - keeping Côn Đảo Clean với 10 thành viên ban đầu.
Kể từ đó, Nhóm đều ra quân vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần nhặt rác dọc bờ biển Côn Đảo. Khi nhặt ở khu vực Cầu tàu 914, lúc ở bãi Ông Câu, bãi Vông, bãi Giếng Xưa hay khu hải đăng Đá Trắng... Có những lần ra quân Nhóm huy động được gần trăm người gồm dân đảo và khách du lịch nhưng cũng có thời điểm ít khách du lịch, Nhóm chỉ có vài người đi nhặt nhưng anh Phương vẫn duy trì để giữ lửa cho Nhóm và không bị gián đoạn.
Anh Phương cho biết, có thành viên mới đầu dẫn khách du lịch đến tham quan ở Côn Đảo thấy rác nhiều quá, họ nghĩ tại sao không vừa kết hợp du lịch vừa đi nhặt rác, và "tư tưởng lớn gặp nhau", khi biết đến hoạt động của Nhóm, họ liền tham gia ngay. Trong Nhóm, tình nguyện viên ngoài bỏ công sức, có người còn mang cả ô tô cá nhân đi chở rác.
Nhặt rác bãi biển không chỉ đơn thuần là bỏ rác vào bao, mà còn phân loại thành rác tái chế được và không tái chế được. Rác không tái chế được sẽ đem về nhà máy rác, rác tái chế được sẽ chia ra làm hai loại, hoặc đem về Tái Sinh Zone làm các sản phẩm tái chế, hoặc đem bán ve chai lấy quỹ hoạt động... Nhiều nhất là chai nhựa, bao ni lông, thùng xốp, các sản phẩm nhựa trôi nổi. Các loại ngư cụ ma như lưới, phao, kết nhựa của ngư dân thải ra cũng nhiều, anh Phương cho biết.
Hoạt động nhặt rác của Nhóm nhanh chóng lan tỏa đã góp phần thay đổi ý thức của người dân và khách du lịch. Từ khi thành lập với 10 thành viên, nay số lượng đã lên mấy chục thành viên, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài đến Côn Đảo. Ngoài ra, Nhóm còn lan tỏa tình yêu môi trường biển trên mạng xã hội với Nhóm công khai trên 1.200 thành viên.
...Đến mô hình Tái Sinh Zone
Sở dĩ anh Phương đặt tên Nhóm là Trash2Art - keeping Côn Đảo Clean vì mục đích song hành là tái chế rác thải. Dịch nôm na tên Nhóm có nghĩa là rác thải nghệ thuật - Giữ cho Côn Đảo xanh.
Cuối năm 2023, được sự đồng ý của UBND huyện Côn Đảo về mô hình thí điểm kinh tế tuần hoàn, anh Phương đã cùng Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo phối hợp và thành lập Tái Sinh Zone với mục đích biến bãi đất trống thành điểm tuyên truyền mô hình tái chế rác thải nhựa đại dương kết hợp check-in du lịch tại khu vực cuối tuyến Bến Đầm, khu 10, huyện Côn Đảo.
Trên diện tích khoảng 2.000m2, khu vực Tái Sinh Zone sử dụng hoàn toàn chất liệu thân thiện môi trường, bàn ghế tiểu cảnh được tái chế từ rác thải đại dương qua bàn tay khéo léo của các tình nguyện viên. Vườn hoa của Tái Sinh Zone được làm từ các vỏ chai, ống hút hay đàn cá làm bằng mút xốp, giỏ hoa làm bằng lưới và những bức tranh treo tường truyền tải thông điệp bảo vệ đại dương. Hay như những ngư cụ như lưới đánh cá hay chai lọ bỏ đi đã biến thành những chiếc túi xinh xắn, những mô hình sinh vật đại dương sinh động. Đối với người tái chế, rác là tài nguyên rất quý giá như chai nhựa, ngư cụ, bìa các-tông...
Anh Jurgen Kallee - quốc tịch Úc, thành viên Nhóm, cũng như Phương, đã phải lòng hòn đảo xinh đẹp này và cũng đã ở lại 4 năm nay, chia sẻ: "Tôi tới đây thấy Côn Đảo rất đẹp nhưng có nhiều rác từ đại dương đổ vào. Tôi tham gia nhặt rác ở đây và tôi muốn gửi thông điệp hãy cùng bảo vệ môi trường Côn Đảo. Tôi rất ấn tượng với Tái Sinh Zone và thường kể cho bạn bè về địa điểm lý thú này của Phương".
Anh Phương cho biết, Tái Sinh Zone hiện đang được chọn làm thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn của huyện Côn Đảo. Ngoài ra, Tái Sinh Zone được nằm trọn trong vòng tay núi rừng, biển cả, sẽ là điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn với các đoàn du lịch trường học, giúp học sinh tìm hiểu về bảo vệ môi trường hay các doanh nghiệp tổ chức teambuiding trong các kỳ nghỉ.
Anh Phương luôn tâm niệm, mỗi chuyến đi nhặt rác hoặc tái chế rác thải là một lần được hòa mình vào mẹ thiên nhiên, các thành viên đi nhặt rác đều với tinh thần, trái tim nhiệt huyết. “Tôi trước kia là một người bình thường, giờ mỗi lần đi nhặt rác hoặc tạo ra sản phẩm mới từ rác là tôi cảm thấy yêu môi trường hơn. Nhiều người nói tôi lo chuyện bao đồng nhưng tôi thấy việc này nên làm. Rác có thể không phải do ta xả ra nhưng Côn Đảo này là của chúng ta, mỗi người chúng ta hãy cùng chung tay làm cho nó xinh đẹp hơn, xanh hơn”, anh Phương cho biết.
Tác giả bài: Nguyễn Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên môi trường
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn