Từ lâu, tôi háo hức được ra thăm Côn Đảo với bao nỗi niềm day dứt trong lòng. Ở đó có chị Võ Thị Sáu anh hùng và biết bao những tấm gương vì dân, vì nước như anh Lê Hồng Phong, cụ Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh và rất nhiều, rất nhiều tấm gương các vị anh hùng liệt sỹ mà nhân dân ta và thế giới yêu quí kính trọng.
Đâu đó, từ sâu thẳm trái tim mình còn vang mãi câu thơ của cụ Trần Cao Vân:
“Bất đáo Côn Lôn chân lạc địa
Yên tri hoàn hải đại toàn thiên
Ngô đồ lạc lạc hưu đa thán
Tạo chủ thương thương tự hữu quyền
Tối thị anh hùng ma luyện xứ
Cổ kim kỳ tựu hựu kỳ duyên”
Trời ơi! Đứng trên đỉnh Núi Chúa mà ta mà đọc thơ cụ Trần Cao Vân thì thật thú biết bao: “Bạn hỡi, hãy yên tâm, đây là đất long mạch, đất thần tiên, mà tạo hóa đã ban cho Tổ quốc ta; Hãy giữ trọn niềm tin và khí tiết để chờ đón, đến ngày những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam, hội tụ đầy đủ về đây thì đất nước này sẽ muôn đời thịnh trị”
Ngay cả một cựu tù chính trị ở Côn Đảo, cụ Lê Huân cũng đã viết:
“Đông Nam hữu nhất Đảo
Cận vị hào kiệt lâm
Lưu lạc nhất đáo thữ
Giá trị cao thiên câm”
Trăng đêm lung linh trên mặt biền, trong không khí hiền hòa Côn Đảo, ánh trăng hắt ánh sáng về đất liền. Câu thơ của cụ Lê Huân như có sức mạnh thôi thúc ý chí người tù đứng vững bằng đôi chân mình cùng trăng, nước, cỏ cây Côn Đảo nhìn về tương lai cùng Tổ quốc mình.
“ Biển Đông Côn Lôn đảo
Nổi tiếng rừng anh hùng
Ai lưu đầy đến đó
Nhân phẩm cao ngàn vàng”
Rồi đâu đó, vảng vất những tác phẩm “Côn Lôn thi tập” cùng nhà thơ Hán học Lã Xuân Oai ( 1856 – 1890) người Nam Định mà người đời sau cho rằng: Đây là tập thơ đầu tiên của người Việt Nam viết trong ngục tù thực dân, đế quốc, còn lại đến ngày nay. Ôi một tác phẩm “ Viết dưới giá treo cổ” của những năm 1862-1891 ở Côn Đảo, mà nhà thơ đã anh dũng tố cáo chế độ thực dân Pháp tàn bạo dã man ở Côn Đảo. Đó là lòng quả cảm bất khuất của dân tộc Việt Nam sáng chói trên thi ca mà Côn Đảo là nơi phát tích, khởi nguồn thi cảm ấy. Nó trào dâng trong lòng con em đất Việt về tình yêu Tổ quốc mình. Ta đọc “Thi tù tùng thoại” của cụ Huỳnh Thúc Kháng ( 1876-1947) người Tam Kỳ - Quảng Nam trong tim ta thấy đau nhói khi nghĩ về “Địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Song có một con người, một tâm hồn, một Chí sỹ yêu nước mà tôi hằng ngưỡng mộ. Đó là luật sư, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tôn giáo, nhà Cách mạng Nguyễn An Ninh (1900-1943): 5 lần đi Pháp, 5 lần bị Pháp bắt, 5 lần bị đầy ra Côn Đảo và mất ở đây. Một con người có bộ óc thông minh trời phú: Nguyễn An Ninh ngay cả người Pháp, người Nhật cũng phải kính phục. Với bài thơ “Sống và Chết” của cụ đã thức tỉnh bao trái tim của người Việt Nam yêu nước.
“ Sống mà vô dụng, sống làm chi
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì
Sống trái đạo người, sống thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao cho phải, cho nên sống
Sống để muôn đời sử tạc ghi
Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình tên chẳng mục
Chết đưa vào sử chứ không phai
Chết đó rõ ràng danh sống mãi
Chết đây chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ quốc đời khen ngợi
Chết cho hậu thế đẹp tương lai…”
Thật là hào sảng, xúc động làm cho khí huyết ta trào dâng cầm bút viết những dòng thơ về tình yêu nhiên nhiên, con người Côn Đảo.
Ra Côn Đảo mới hiểu thế nào là nghĩa trang Hàng Dương nơi mà hơn 20.000 tù nhân bị Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đày đọa tra tấn, đánh đập, chém giết nằm xuống trong suốt 113 năm qua. Tôi đã tìm hiểu, biết người bị giam cầm lâu nhất ở Côn Đảo là cụ Trần Xuân Lê ( 1910 -1992) người Đà Nẵng ở tù từ năm 1954-1975, Sơn Vương Trương Văn Thoại (1908-1987), người tù khổ sai Thế kỷ ( 35 năm ) . Tôi đau đớn và chua sót cho chị Võ Thị Sáu bị đưa ra đảo một ngày và bị hành quyết. Nhưng chị anh dũng hiên ngang mà Chúa đảo phải gọi chị là “liệt nữ”. Chị thiêng lắm, đồng bào ta yêu quí, kính phục chị lắm. Ai đến đây trước mộ chị đều mong chị phù hộ cho “Quốc Thái dân an”. Người dân Côn Đảo tưởng tượng hình ảnh chị hiên ngang giữa pháp trường vang lên bài hát “Tiến quân ca, Lên đàng, Cùng nhau đi hùng binh…”. Một sức mạnh nào, một linh giác nhân hạnh nào mà chị có một dũng khí đến như vậy. Một dũng khí mãnh liệt của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu trong tâm trí, trái tim chị. Một dòng máu Việt Nam anh hùng, bất khuất…
Rạng sáng ngày 23.1.1952. Kẻ thù thực dân Pháp đưa chị ra pháp trường Hàng Dương xử bắn. Chị giằng mảnh khăn đen che mặt, chị đón nhận mặt trời và trở về với hồn thiêng biển trời Côn Đảo.
Hôm nay đứng trước mộ chị ta viết mấy dòng thơ kính mong chị phù hộ nhân dân đất nước mình.
“Ngày chị đi, em mới chào đời
Chị trẻ lắm, đóa hoa tươi trên đảo
Hồn vĩnh viễn, lìa đời 19 tuổi
Chị hiên ngang trước họng súng quân thù
Em chắp tay trước mộ chị hiền từ
Chị hiện về, lòng em ứa lệ
Chị phả lên tóc em rồi đó
Chị dịu dàng yêu quí. Chị ơi!”
Kia bóng dáng của bà Hoàng Phi Yến đang trở về với nhân quần trong đau khổ chua sót của kiếp người nô lệ dựa vào viện binh nước Pháp cùng vua Gia Long mà tai tiếng “Cõng rắn cắn gà nhà” muôn đời. Thật tang thương cho con bà ở Côn Đảo chuỗi ngày bi đát.
“Gió đưa rau cải về trời
Rau răm ở lại một đời đắng cay”
Nguồn: Tin Côn Đảo
Nguồn tin: Tin Côn Đảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn