Côn Đảo - nơi được biết đến là “địa ngục trần gian”, biết bao người dân yêu nước, chiến sĩ cách mạng đã phải chịu đựng những cực hình tra tấn tàn bạo của đế quốc, thực dân và bè lũ tay sai, nay đã chuyển mình trở thành một điểm đến du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh đặc biệt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Du khách quốc tế tìm đến Côn Đảo như một điểm đến lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Côn Đảo được biết đến với lịch sử 113 năm của “địa ngục trần gian”, kể từ khi thực dân Pháp thiết lập nhà tù cho đến ngày hoàn toàn giải phóng (1862 - 1975). Nơi đây đã gắn với những trang sử tranh đấu oai hùng của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc.
Phong trào đấu tranh của tù nhân Côn Đảo qua các thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ được xem là bản anh hùng ca về ý chí kiên cường, trở thành biểu tượng về lòng yêu nước và tinh thần lạc quan cách mạng của bao lớp tù nhân yêu nước.
46 năm qua kể từ ngày giải phóng, Côn Đảo từ là một huyện của tỉnh Hậu Giang (vào năm 1977), một quận của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (vào năm 1979), một huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (vào năm 1991) và nay đã trở thành một điểm đến du lịch đặc biệt có ý nghĩa lịch sử của cả nước.
Thời gian gần đây, được sự quan tâm của Trung ương cũng như UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo đã dần chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Chu Tuấn
Trải qua một chặng đường dài từ sau giải phóng, Côn Đảo gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, xã hội. Thời gian gần đây, được sự quan tâm của Trung ương cũng như UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo đã dần chuyển mình phát triển mạnh mẽ.
Giai đoạn 2015 - 2020 được coi là bước chuyển mình mạnh mẽ, Côn Đảo đã có bước phát triển rất ấn tượng. Có thể nói, chưa bao giờ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội cho Côn Đảo được Trung ương, tỉnh và các cấp, ngành quan tâm như giai đoạn này.
Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh bố trí cho Côn Đảo hơn 1.418 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều công trình hạ tầng quan trọng được nâng cấp, hoàn thiện và đưa vào sử dụng như chung cư cho người thu nhập thấp, chợ Côn Đảo, hồ chứa nước Quang Trung II, lưới điện trung - hạ thế trung tâm Côn Đảo, đường Cỏ Ống - Bến Đầm, sửa chữa kè biển đường Tôn Đức Thắng, công viên Nguyễn Huệ, nâng cấp đường vào bãi Đầm Trầu, Trường THCS Côn Đảo, khu tập luyện thể dục thể thao Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu... Những công trình trên góp phần tạo nên diện mạo mới cho Côn Đảo.
Hệ thống giao thông kết nối Côn Đảo được giải quyết căn bản. Việc đi lại giữa Côn Đảo với đất liền thuận tiện hơn rất nhiều. Phương tiện giao thông đường thủy và đường hàng không đến Côn Đảo hiện nay đã đa dạng và nhiều lựa chọn.
Đặc biệt, từ ngày 12/9/2020, đã có đường bay thẳng từ Hà Nội - Côn Đảo, Hải Phòng - Côn Đảo và Vinh - Côn Đảo, với giá vé hợp lý, tiết kiệm 1,5 giờ di chuyển so với các chuyến bay nối chuyến thông thường trước đây. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ trên địa bàn phát triển, đặc biệt là du lịch và vận tải, thu hút sự tham gia đầu tư từ nhiều doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự lễ khánh thành công trình đường Tây Bắc - huyện Côn Đảo. Ảnh: Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo
Từ năm 2017 đến nay, Côn Đảo có 54 dự án đăng ký nguyện vọng đầu tư, trong đó có 7/54 dự án được cấp quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư. Có 19 nhà đầu tư được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia. Công ty Cổ phần Cao tốc Superdong Kiên Giang, Công ty Cổ phần Tàu Cao tốc Phú Quốc là 2 đơn vị tiên phong đầu tư phương tiện vận tải đường thủy cao tốc kết nối giao thông giữa đất liền Côn Đảo…
Các hoạt động đầu tư kinh doanh trong nhân dân cũng phát triển mạnh, chủ yếu là xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, homestay, nhà hàng, mua sắm phương tiện vận chuyển khách tham quan trên đảo và tham quan du lịch sinh thái… Đến tháng 9/2020, trên địa bàn huyện có 135 cơ sở lưu trú, 67 nhà hàng, quán ăn, 33 cơ sở mua sắm hải sản, đồ lưu niệm; 241 xe chở khách tham quan từ 4 - 45 chỗ…
Cũng trong giai đoạn này, lượng khách du lịch trong nước phát triển mạnh, tập trung chủ yếu là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, về nguồn; du lịch văn hóa - tâm linh. Trong đó, khách viếng Nghĩa trang Hàng Dương chiếm khoảng 66,52% trong tổng lượt khách đến Côn Đảo...
Ngoài ra, du khách quốc tế cũng tìm đến Côn Đảo như một điểm đến lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng (chiếm 60% trong tổng lượng khách quốc tế đến Côn Đảo). Khách quốc tế đến Côn Đảo từ nhiều thị trường, tập trung ở một số thị trường như: Pháp, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Đức, Nga, Nhật Bản, Úc.
Phương tiện giao thông đường thủy và đường hàng không đến Côn Đảo hiện nay đã đa dạng và nhiều lựa chọn. Ảnh: Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo
Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Lê Văn Phong cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Côn Đảo sẽ cụ thể hóa mục tiêu trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, bằng việc đầu tư nhiều hơn cho hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật; khai thác các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao, mang đặc trưng văn hóa truyền thống gắn với phát huy giá trị của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Đây là giai đoạn có tính bước đệm để Côn Đảo có thể trở thành đô thị du lịch trong tương lai…
Rõ ràng, với những kết quả đạt được trong những năm qua đã góp phần làm cho Côn Đảo hôm nay đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Đây chính là niềm tin, nghị lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Côn Đảo để quyết tâm tập trung mọi nguồn lực, phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ, hướng tới thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.