Côn Đảo trên hành trình trở thành đô thị du lịch

Chủ nhật - 13/02/2022 11:22
Côn Đảo- thiên đường du lịch mà nhất định bạn phải trải nghiệm một lần trong đời. Nếu đã đến rồi, sẽ muốn đến nhiều lần nữa. Côn Đảo đang thay đổi từng ngày để trở thành một đô thị du lịch.

Khách du lịch Hải Chi cho biết: “Tôi đã đi hầu hết các bãi biển đẹp ở Việt Nam từ Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn, Phú Yên… nhưng với Côn Đảo là một điều đặc biệt, đủ sức hút để tôi muốn quay lại n lần nữa”.
“Tôi yêu tất cả mọi thứ trên Côn Đảo: con người siêu thân thiện, cảnh thiên nhiên đẹp hoang sơ, không khí trong lành, yên tĩnh tránh xa mọi ồn ào phố phường, đi chơi mà không lo phải trông đồ. Chúng tôi vi vu quanh đảo bằng xe máy đến nơi biển đẹp có thể dừng xe ven đường chạy ào xuống biển tắm mà không lo bị mất mát đồ đạc thậm chí chìa khóa cắm trên xe, tắm xong 2-3 tiếng lên bờ mọi thứ vẫn y nguyên. Nói chung yên tâm tuyệt đối”, Hải Chi nói.

Điều gì khiến Côn Đảo, từ địa ngục trần gian thành thiên đường du lịch như vậy? Người dân ở Côn Đảo nói mỗi tấc đất nơi đây đều nhuốm máu, xương của các thế hệ anh hùng đi trước. Đây là vùng đất linh thiêng bậc nhất Việt Nam, được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”.

2

Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của Pháp và Mỹ, điển hình về chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, tù nhân lao động khổ sai đến kiệt sức; là nơi mà kẻ thù hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng và niềm lạc quan của người tù yêu nước. Nhà tù Côn Đảo cũng nổi tiếng là "Trường học Cộng sản" rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Khu di tích lịch sử Côn Đảo gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này. Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập - “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần.

yoga on the beach six senses con dao

Trong đó, nhà Chúa Đảo có tổng diện tích là 18.600m2, từng là nơi ở và làm việc của 53 đời Chúa Đảo, trong khoảng thời gian hệ thống nhà tù ở Côn Đảo duy trì hoạt động. Sau ngày giải phóng (1975) đến nay, nhà Chúa Đảo được sử dụng làm nơi trưng bày của Khu di tích lịch sử Côn Đảo.
Cầu Tàu nằm tại vị trí trung tâm của bãi biển chính, thuộc thị trấn Côn Đảo (phía trước nhà Chúa Đảo), được khởi dựng từ năm 1873. Đây cũng là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra đảo tù đày. Nhiều người chỉ qua đây đã vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Con số 914 được đặt tên cho cầu cũng là số tù nhân đã bị “ngã xuống” vì lao dịch, tai nạn trong quá trình lao động khổ sai để xây cầu. Cầu có chiều dài 130m, rộng 4,8m, gồm hai cánh chính và một cánh phụ, ở phía mũi tạo hình chữ T.
Những địa danh như: Trại 1 (Banh 3, Lao 3, Trại Bác Ái, trại Phú Thọ); Trại 2 (Banh 1, Lao 1, Trại Cộng Hòa); Trại 3 (Banh 2, Lao 2, Trại Nhân Vị, Trại 3, Trại Phú Sơn); Trại 4; Trại 5; Trại 6; Khu biệt lập Chuồng Bò; Lò Vôi; Nghĩa trang Hàng Dương… là nơi đã chứng kiến những giam cầm khổ cực, tra tấn dã man và là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào Việt Nam yêu nước dưới ách tù đày, khổ sai tàn bạo của bọn thực dân và đế quốc. Hầu như các khách du lịch đến Côn Đảo đều đến thắp hương tưởng nhớ Cô Sáu và các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Hàng Dương.
Đến nay, bỏ lại tất cả những quá khứ đau thương ấy, Côn Đảo là thiên đường nghỉ dưỡng được nhiều khách du lịch ưa thích, tìm kiếm, dù tour du lịch đến Côn Đảo không hề rẻ. Với quần thể 16 hòn đảo lớn nhỏ, có hệ sinh thái thiên nhiên gần như nguyên vẹn, cách thành phố Vũng Tàu 185km và TP.HCM 230km, khách du lịch có thể dễ dàng đến Côn Đảo bằng đường hàng không hoặc đường biển. Hệ sinh thái biển và ven biển độc đáo, đa dạng cùng nhiều loại sinh vật biển đặc sắc, khí hậu ôn hòa, hệ thống di tích dày đặc, thích hợp để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa tâm linh.
Côn Đảo cũng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia đến năm 2030. Trong đó, xác định phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên biển, rừng của Vườn quốc gia Côn Đảo. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa- lịch sử- tâm linh, đồng thời gắn kết với thị trường quốc tế và nâng cao tính cạnh tranh với du lịch các đảo khác ở trong nước và nước ngoài. Phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo tạo tiền đề và động lực thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ khác phát triển, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư trên đảo; gắn kết phát triển với thành phố Vũng Tàu, Khu du lịch quốc gia Long Hải- Phước Hải, các tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trong mối liên kết chặt chẽ với TP.HCM và toàn vùng Đông Nam Bộ….

Mục tiêu là đến năm 2030, Côn Đảo sẽ trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa- lịch sử- tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế vưới hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, với sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành đô thị du lịch.
Với các hệ sinh thái, hệ thống di tích lịch sử, di tích cách mạng nổi tiếng như Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương…, trong đó di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, đã tạo nên giá trị lịch sử to lớn, đáp ứng cho loại hình du lịch tham quan về nguồn và du lịch tâm linh. Ngoài ra, các lễ hội văn hóa mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển đã và đang được duy trì phát triển, trở thành một đô thị di sản về văn hóa và du lịch.
Côn Đảo có rất nhiều bãi tắm đẹp, cát trắng, nước trong và hoang sơ; nhiều điểm ngắm cảnh và “sống ảo” nổi tiếng. Trong đó phải kể đến bãi Đầm Trầu, bãi ông Đụng, ông Câu, bãi Nhát, mũi Cá Mập, hòn Bảy Cạnh, mũi Chim Chim, Cỏ Ống, vịnh Đầm Tre, núi Thánh Giá, hòn Trứng, hòn Bà…
Hải sản trên đảo luôn có sẵn và tươi ngon. Nhiều gia đình, nhóm bạn bè đến Côn Đảo thuê phòng khách sạn hoặc homestay có bếp và tự ra chợ Côn Đảo về nấu nướng, tổ chức ăn uống vừa tươi ngon, siêu sạch sẽ và tiết kiệm. Những món hải sản có rất nhiều ở Côn Đảo và giá phải chăng như: ghẹ, tôm mũ ni, mực, hàu, cá mú đỏ, cá đuối, các loại ốc,…. Khách cũng có thể chọn ăn ở khách sạn hoặc các nhà hàng Cánh Buồm (Nguyễn Đức Thuận), Phi Yến (Tôn Đức Thắng), Ốc đêm Bình Nguyên (Phạm Văn Đồng)….
Hiện nay, Côn Đảo đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết về xây dựng; quản lý chặt chẽ đất đai; tiếp tục xúc tiến đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông (nâng cấp sân bay Cỏ Ống, mở rộng cảng Bến Đầm, cảng tàu khách Côn Đảo, kêu gọi đầu tư các tuyến tàu cao tốc mới). Cùng với đầu tư phát triển, Côn Đảo sẽ xử lý triệt để rác thải tồn đọng tại Bãi Nhát, xây dựng và thực hiện chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2020-2025, có tính đến năm 2030.

anh 3 3

Trong thu hút đầu tư vào du lịch, Côn Đảo ưu tiên các dự án cao cấp từ 4 sao trở lên với mật độ phù hợp, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội với tăng cường an ninh quốc phòng, bảo tồn bền vững tài nhiên thiên nhiên và hài hòa lợi ích của người dân. Huyện cũng sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng, tăng cường xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Côn Đảo.
Để hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu du lịch Côn Đảo ấn tượng, chuyên nghiệp, hấp dẫn du khách, khẳng định tiềm năng, lợi thế, sự hấp dẫn và an toàn của du lịch Côn Đảo, phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch địa phương, mới đây, UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch Côn Đảo.

 

Nguồn tin: Báo Văn hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập122
  • Hôm nay24,851
  • Tổng truy cập21,428,107
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây