Quá nhiều dự án du lịch chậm triển khai

Thứ năm - 23/05/2019 22:33
Đó là vấn đề bức xúc được các đại biểu nêu ra tại hội nghị giao ban giữa Sở Du lịch với Ban quản lý các KDL và Phòng VH-TT các huyện, thành phố diễn ra ngày 12-5, tại UBND huyện Xuyên Mộc...

Bên cạnh đó, đại diện các địa phương cũng mổ xẻ thực trạng hàng rong vẫn tràn lan ở một số bãi tắm công cộng; quản lý các loại hình thể thao biển; cần tổ chức các điểm bán thức ăn đường phố; tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên cứu hộ…

 

BỨC XÚC VỚI DỰ ÁN “RÙA”

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là tình trạng dự án du lịch chậm triển khai kéo dài. Theo nhiều đại biểu, chạy dọc toàn tuyến ven biển, từ TP. Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc đều thấy rất rõ, số KDL đã mở cửa đón khách chỉ rải rác, còn lại nhiều dự án “bất động”. Chủ đầu tư xây hàng rào bao quanh dự án cản tầm nhìn xuống biển, khách du lịch về xứ biển nhưng chỉ nhìn thấy toàn lô cốt bê tông trước mặt. Nơi không bao chiếm đất thì trở thành bãi tập kết của đủ loại rác thải. 

Phân tích sâu nội dung này, đồng chí Huỳnh Bách Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cung cấp thông tin: Hiện trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hiện có 104 dự án du lịch được UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, với tổng diện tích 3.792ha. Trong đó, chiều dài 32km đường bờ biển từ giáp ranh huyện Đất Đỏ đến xã Bình Châu có hơn 60 dự án, nhưng chỉ có 2 dự án đã hoàn thành đưa vào kinh doanh gồm: KDL Hồ Tràm Beach và KDL Sài Gòn-Bình Châu, tổng diện tích 41,42ha, tổng vốn thực hiện 155 tỷ đồng; 15 dự án hoàn thành một phần; còn lại các dự án đang làm thủ tục đất đai, thỏa thuận địa điểm, lập quy hoạch 1/500 hoặc xây dựng dở dang vài hạng mục rồi để đó.

Năm 2016, UBND huyện Xuyên Mộc đã kiến nghị UBND tỉnh xử lý, thu hồi 22 dự án chậm triển khai kéo dài. Thế nhưng, đến thời điểm này, chỉ có 3 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư gồm: Chợ Phước Tân, chợ Phước Thuận và vườn thú hoang dã Safari. “Dự án chậm triển khai kéo dài gây nhiều hệ lụy, lãng phí tài nguyên đất, làm chậm bước tiến của du lịch địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Chúng tôi kiến nghị Sở Du lịch tham mưu UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nhanh chóng thu hồi 19 dự án còn lại”, đồng chí Huỳnh Bách Tiến nói.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Ban quản lý các KDL huyện Đất Đỏ, trên địa bàn có 2 dự án: Sân Golf và dịch vụ Hương Sen (91,09ha) và KDL Kawasamii (13,57ha) gần 10 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chủ đầu tư vẫn chưa liên hệ với sở, ngành để được hướng dẫn các thủ tục pháp lý... “Đất trống, lại có hàng dương xanh mát, nên khách vãng lai và người dân địa phương thường tụ tập ngồi chơi, ăn uống. Dù huyện Đất Đỏ tổ chức tuần tra nhắc nhở khách không được xả rác, nhưng khi lực lượng chức năng rút đi là đâu lại vào đó. Sau mỗi cuối tuần, kỳ nghỉ lễ, Tết, chúng tôi lại phải thu gom. Bãi biển bên dưới rất nhiều đá ngầm, ăn nhậu xong khách thường nhảy xuống tắm, nguy cơ tai nạn rất cao. Tỉnh cần sớm thu hồi 2 dự án này giao cho nhà đầu tư có thực lực”, đồng chí Tâm nói.

BĂN KHOĂN CHUYỆN QUẢN LÝ NHÀ KHÁCH

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu ra vấn đề quản lý nhà khách trên địa bàn. Trong quy định về cơ sở lưu trú của Luật Du lịch chưa có thuật ngữ nhà khách. Song thực tế, trên địa bàn tỉnh, nhà khách của các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, tỉnh, thành rất nhiều. Nếu chỉ phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng trong ngành thì không có gì đáng nói; nhưng thực tế, các nhà khách này đều kinh doanh đón khách du lịch, mà đã kinh doanh thì phải tuân thủ quy định xếp hạng sao, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, môi trường, ATVSTP, nghĩa vụ thuế… “Thế nhưng, khâu kiểm tra, giám sát các nhà khách này hiện nay rất khó vì hầu hết đều không hợp tác. Đã đến lúc Sở Du lịch cần nghiên cứu hoặc có đề xuất bổ sung loại hình này vào Luật Du lịch sửa đổi để quản lý tốt hơn”, đồng chí Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Ban quản lý các KDL Côn Đảo nêu.

 Đại diện Ban quản lý các KDL huyện Long Điền chia sẻ một số khó khăn khi dẹp người bán hàng rong. Cụ thể là, những đối tượng này rất manh động, dùng cả quang gánh chống lại lực lượng chức năng; dẹp ở địa bàn này thì chạy sang địa bàn khác. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Sở Du lịch mở lớp tập huấn cấp cứu thủy nạn cho lực lượng cứu hộ; quản lý du lịch homestay; quản lý các loại hình thể thao biển; rà soát, bổ sung quy hoạch du lịch ở một số địa phương không còn phù hợp…

Kết luận cuộc họp, đồng chí Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch ghi nhận kiến nghị của các địa phương và sẽ báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh giải quyết. “Đối với dự án chậm và quy hoạch du lịch không còn phù hợp, Sở Du lịch sẽ có biên bản tổng hợp cụ thể tình hình của từng địa phương và đề xuất UBND tỉnh họp riêng với từng địa phương, từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp”, đồng chí Trịnh Hàng nói.

CHUẨN BỊ CHO MÙA DU LỊCH HÈ

Tại cuộc họp, đồng chí Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cũng đề nghị Phòng VH-TT, Ban quản lý các KDL địa phương xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn cho du khách; đồng thời vận động các DN du lịch tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách với tinh thần tạo sự thoải mái, thân thiện, an toàn và đảm bảo chất lượng phục vụ; yêu cầu các DN lữ hành, các cơ sở lưu trú, điểm đến, điểm vui chơi, giải trí không được tự ý nâng giá tour, giá các dịch vụ, niêm yết công khai bảng giá phòng và số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng ở nơi dễ thấy; phục vụ du khách với thái độ văn minh, lịch sự, thân thiện, tận tâm…

Nguồn tin: Theo Báo Bà Rà - Vũng Tàu/Đăng Khoa - Thành Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay30,935
  • Tổng truy cập21,467,958
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây