Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định hiện nay, đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta. Do vậy, việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp là rất quan trọng, cần thiết nhằm thể hiện tinh thần Chính phủ và các cấp chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp theo hình thức kết hợp truyền hình trực tiếp và trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, ứng phó với dịch COVID-19. Xây dựng chủ đề, phương án tổ chức, chương trình chi tiết, Báo cáo chung, dự kiến thành phần, đại biểu tham luận, sản phẩm đầu ra của Hội nghị (dưới hình thức Nghị quyết của Chính phủ hoặc chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Chính phủ); dự thảo bài phát biểu khai mạc, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 20 tháng 4 năm 2020.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan xây dựng báo cáo chuyên đề tại Hội nghị bảo đảm ngắn gọn, không trùng lắp về nội dung với tinh thần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trước ngày 18/4/2020 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
Văn phòng Chính phủ báo cáo về công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, việc triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bộ Tài chính báo cáo các giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Công Thương báo cáo giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu; chính sách ưu đãi đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch; giải pháp thúc đẩy các dự án công nghiệp, năng lượng quy mô lớn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo các giải pháp, đề xuất về chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo kinh tế vĩ mô.
Bộ Công an báo cáo phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số, phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử… trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống kinh tế - xã hội, định hướng truyền thông vận động, hỗ trợ tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát triển.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo về các kiến nghị tổng hợp của doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị ý kiến tham luận, đề xuất các giải pháp cụ thể để phát biểu tại Hội nghị. Trường hợp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi xin ý kiến về Báo cáo chung tại Hội nghị, khẩn trương có ý kiến góp ý bằng văn bản, mang tính xây dựng để đảm bảo sự thống nhất và chất lượng của Báo cáo chung.
Nguồn tin: Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn