Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát huy giá trị Khu Di tích Nhà tù Côn Đảo

Thứ ba - 14/02/2023 08:10
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo là hệ thống Nhà tù Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có giá trị lịch sử văn hóa mang tính đặc trưng, đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch. Vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích đòi hỏi phải thực hiện một cách hiệu quả và bền vững.  
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn, cựu tù chính trị Côn Đảo thăm lại Bảo tàng Côn Đảo
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn, cựu tù chính trị Côn Đảo thăm lại Bảo tàng Côn Đảo

Di tích quốc gia đặc biệt 

Hệ thống Nhà tù Côn Đảo có tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp”. Ngày 29/4/1979, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ban hành Quyết định số 54/QĐ-VHTT đặc cách công nhận Khu Di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt.

Nhớ về những ngày tháng bị giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn, cựu tù chính trị Côn Đảo chia sẻ: Anh em cựu tù chính trị Trại I-6B Côn Đảo trước đây xác định trong nhà tù cũng là một mặt trận để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Chúng tôi xác định, phải tiếp tục giữ vững khí tiết của người cách mạng, không chấp nhận những điều kiện địch đặt ra, không đi làm khổ sai để phục vụ nhà cầm quyền Côn Đảo. Trước sự chống cự của các cựu tù, cai ngục đưa anh em chúng tôi đi cầm cố cả, một phòng giam chúng nhốt khoảng 80 người. Trong buồng giam, chúng tôi đấu tranh bằng cách hàng ngày tạo dư luận mỗi người nói một tiếng với nội dung tố cáo địch, không cho ăn, không thuốc trị bệnh... 

Hiện nay, Côn Đảo vẫn mang một vẻ đẹp hoang sơ, trong lành và kỳ bí. Nhiều tạp chí của thế giới đã ghi tên Côn Đảo vào danh sách những điểm đến ấn tượng. Côn Đảo đã đi vào tình cảm và sự ngưỡng mộ của cả nước cùng bạn bè quốc tế như là một vùng đất thép mang biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo, nếu như giai đoạn 2000-2015, lượng khách đến tham quan các di tích khoảng 60 ngàn lượt khách/năm thì đến giai đoạn 2015-2020 lượng khách tăng lên hơn 150 ngàn lượt khách/năm. Riêng năm 2022, sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lượng khách là hơn 227 ngàn lượt khách/năm. Đây là những con số ấn tượng minh chứng cho sức hút về du lịch tâm linh tại huyện đảo.

Bảo tồn nguyên trạng di tích

Song song với phát huy giá trị di tích trong thu hút khách du lịch, tỉnh cũng chú trọng công tác bảo tồn Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo. Hằng năm, công tác trùng tu tôn tạo các di tích được thực hiện đúng theo nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng nhằm kịp thời ngăn ngừa tình trạng xuống cấp di tích.

Mới đây nhất, công trình chỉnh trang Nghĩa trang Hàng Keo với các hạng mục: Bia tưởng niệm, sân hành lễ, đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời, hệ thống cấp thoát nước, 14 cụm điêu khắc đá với tổng mức đầu tư hơn 34 tỷ đồng đã hoàn thành, đưa vào phục vụ nhu cầu thăm viếng của người dân Côn Đảo và du khách. Bên cạnh đó, để bổ sung vào kho tư liệu lịch sử phục vụ công tác bảo tồn, bảo tàng, thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo đã phân loại 1.435 danh sách tù nhân theo tỉnh, thành phố giai đoạn 1862-1930 và 1930-1945; vào sổ đăng ký 170 hiện vật, bảo dưỡng 152 trang tư liệu, nhập máy tính 258 trang, scan 678 trang, số hóa 406 trang hồi ký tù nhân Côn Đảo vào website tra cứu, thực hiện sưu tầm 1.289 tư liệu, hiện vật...

Bà Phạm Thị Tám, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo cho biết, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo là khu di tích đặc biệt duy nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. “Nhằm khai thác hiệu quả giá trị di tích trong phát triển du lịch Côn Đảo, thời gian tới, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm; thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích một cách hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, nên có chế độ tương xứng với nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi để họ thật sự yên tâm và gắn bó lâu dài với Côn Đảo”, bà Phạm Thị Tám bày tỏ.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, huyện Côn Đảo đã đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối các khu vực của huyện Côn Đảo. Bên cạnh đó, huyện đang kêu gọi đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác và dự án Nhà máy nước 10 nghìn m3/ngày đêm. Vừa qua, Đề án kéo điện lưới quốc gia từ Sóc Trăng ra Côn Đảo đã được Bộ Công thương trình Chính phủ, đồng thời dự án mở rộng sân bay Côn Đảo đang được Bộ GT-VT tích cực triển khai. Những dự án trên là tiền đề để huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển dân cư, du lịch với các yêu cầu về bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ tài nguyên và sinh thái, bảo đảm quốc phòng-an ninh. 
(Ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo)

                                                                                                                    Bài, ảnh: Hoàng Bách - Khánh Nam

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử - baobariavungtau.com.vn - Đăng ngày 02/12/2023

Tác giả bài: Vân Võ Thị

 Tags: , , , , , , , , , , , , ,

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập198
  • Hôm nay10,940
  • Tổng truy cập20,436,280
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây