Bảo tàng Côn Đảo - nơi lưu giữ kỷ vật “địa ngục trần gian”

Thứ ba - 06/02/2024 16:34
Gần 2.000 hiện vật và tư liệu được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo đã đem lại một bức tranh đầy cảm xúc về 113 năm lịch sử, ghi dấu tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ và người dân yêu nước.

Bảo tàng Côn Đảo được khởi công xây dựng vào tháng 12/2009. Công trình tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với khuôn viên rộng hơn 2 ha, trong đó diện tích xây dựng 3.570 m2, diện tích trưng bày 1.700 m2. Bảo tàng là nơi lưu giữ những di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam; phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững của huyện Côn Đảo.
 


Năm 2013, Bảo tàng Côn Đảo chính thức đi vào hoạt động trong sự mong đợi của Nhân dân cả nước và huyện Côn Đảo. Đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của các cựu tù chính trị Côn Đảo trong việc gìn giữ những kỷ vật đã gắn bó suốt giai đoạn kháng chiến chống thực dân, đế quốc ở chốn “địa ngục trần gian” này. (Ảnh: Biểu tượng bầu trời hòa bình tái hiện trong Bảo tàng Côn Đảo)
 


Không gian trưng bày của bảo tàng được thiết kế khá đơn giản nhưng vô cùng ấn tượng, bao gồm 1 gian khánh tiết và 4 chủ đề chính: Côn Đảo thiên nhiên con người; Côn Đảo địa ngục trần gian; Côn Đảo trận tuyến, trường học; Côn Đảo ngày nay. Ngoài ra, bảo tàng còn có một phòng trưng bày, triễn lãm chuyên đề.
 


Với 2.000 tư liệu, hiện vật trưng bày, Bảo tàng Côn Đảo mang đến một cái nhìn toàn cảnh về thiên nhiên, con người Côn Đảo từ thời tiền sử, sơ sử đến giai đoạn phát triển hiện nay và tìm hiểu về lịch sử đấu tranh nhà tù Côn Đảo. Trong ảnh là hiện vật xe goòng tái hiện khoảng những năm 1930, thực dân Pháp thiết kế đường ray sắt rộng độ 60 cm xuất phát từ sở Bản Chế (nay là đầu đường Lê Hồng Phong) chia ra làm 2 nhánh. Một nhánh đến sở Đá dưới chân núi Chúa (nay là đường Phan Châu Trinh), một nhánh đến sở Củi (nay là đường Võ Thị Sáu).
 


Những bức tượng sáp tái hiện hình ảnh những sĩ phu yêu nước, tù nhân bị giam cầm, tra tấn trong nhà tù Côn Đảo - nơi từng được công nhận là nhà tù khắc nghiệt nhất tại Đông Dương lúc bấy giờ.
 


Những hình ảnh về nhà tù Côn Đảo được trưng bày tại bảo tàng.
 


Nhà tù Côn Đảo được mệnh danh “địa ngục trần gian” bởi chế độ giam cầm, hình phạt, lao động khổ sai... đối với tù nhân vô cùng khắc nghiệt.
 


Bảo tàng Côn đảo còn lưu giữ những vật dụng như súng, còng tay, găng tay sắt, bịt mắt... từng là công cụ đàn áp những người cộng sản kiên trung.
 


Cờ Tổ quốc do các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù bí mật may và cất giấu để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo.
 


Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp lại”. Người trong ảnh là tử tù Lê Văn Thức trong phút xúc động gặp lại mẹ khi được về Vũng Tàu ngày 5/5/1975.
 


Mỗi chủ đề được trưng bày tại đây đều mang đến những cảm xúc khó tả, lấy đi không ít nước mắt của du khách tham quan. Anh Nguyễn Tấn Hạnh (du khách đến từ Bình Định) chia sẻ: Bảo tàng Côn Đảo không chỉ đơn thuần là điểm đến trưng bày các hiện vật mà còn là nơi khắc họa rõ tinh thần yêu nước mãnh liệt của con người Việt Nam. Thế hệ sau như chúng tôi vẫn luôn biết ơn sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ và luôn cố gắng học tập, lao động phát huy truyền thống yêu nước đó.
 


Bảo tàng Côn Đảo không chỉ là “địa chỉ đỏ” mà còn là nơi trưng bày các tiêu bản trong hệ sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo.
 


Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngày nay, Côn Đảo như được khoác lên mình tấm áo mới với những cánh rừng xanh bát ngát, bãi biển trong xanh và nhiều loài động vật quý. Bảo tàng Côn Đảo là nơi ghi lại phần lớn những đổi thay của nơi đây theo dòng chảy lịch sử và là điểm đến thu hút du khách tham quan không thể bỏ lỡ khi tới với đảo ngọc. Trong ảnh: Du khách chụp ảnh tiêu bản vích - một loài động vật quý, hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới, được bảo vệ nghiêm ngặt tại Côn Đảo)

Tác giả bài: Nguyễn Thanh Thanh

Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh

 Tags: , , , , , , , , , ,

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập131
  • Hôm nay8,858
  • Tổng truy cập22,464,360
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây