Riêng trên đường Lê Duẩn, đã có 11 cây bàng cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Một trong những nét đặc trưng của Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là những cây bàng cổ thụ đến 150 năm tuổi hiện diện ở khắp nơi. Cây bàng Côn Đảo đã cùng người dân nơi đây đi qua biết bao thăng trầm của lịch sử.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo, toàn huyện hiện có 53 cây bàng cổ thụ được công nhận là Cây di sản vào năm 2012. Phần lớn các cây bàng cổ thụ này có tuổi đời hơn 100 năm (tính từ năm thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù vào năm 1862). Bàng Côn Đảo thuộc loại giống cây rừng, lá, quả to hơn bàng nơi khác.
Một cây bàng cổ thụ trong tổng số 19 cây di sản trên đường Tôn Đức Thắng.
Trên hai tuyến đường có nhiều cây bàng cổ thụ được công nhận Cây di sản nhiều nhất đảo là Tôn Đức Thắng (19 cây) và Lê Duẩn (11 cây). Đây cũng là tuyến đường trung tâm của thị trấn Côn Sơn, đi đến các di tích lịch sử ở Côn Đảo, như: Hệ thống nhà tù chính trị, nhà chúa đảo, cầu tàu 914 (nơi ít nhất 914 tù nhân chính trị đã hy sinh khi xây dựng cầu này).
Một cây bàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng.
Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo còn được xem là “chứng nhân” lịch sử, gắn liền với ký ức của những người cựu tù chính trị năm xưa. Theo lời kể của các cựu tù chính trị Côn Đảo, ai đã từng bị giam cầm ở Côn Đảo cũng đều ăn lá bàng. Mỗi lần được cai ngục cho ra ngoài, người tù thường lén hái những lá bàng non và cả trái bàng xanh, giấu trong người, ngậm trong miệng..., đem vào phòng giam chia cho đồng đội cùng ăn.
Hai cây bàng cổ thụ trong khuôn viên một di tích trại giam ở Côn Đảo.
Nhà tù Côn Đảo với những cây bàng hàng trăm năm tuổi gắn liền với những trang lịch sử oai hùng của dân tộc. Ban đầu, việc ăn lá bàng hay trái bàng chỉ đơn thuần vì người tù quá thiếu rau xanh. Sau đó, người tù nhận ra, lá bàng có thể giúp vết thương bớt đau nhức, mưng mủ...
Ngoài ra, cây bàng còn làm nhiệm vụ của một bưu tá, truyền và nhận thông tin. Lá bàng khô được người chiến sĩ đốt để làm mực, truyền tin cho nhau. Gốc của cây bàng có nhiều ngóc ngách như những hộp thư liên lạc bí mật được chiến sĩ làm nơi cất giấu thư từ.
Ngoài 82 cây cổ thụ gồm các loài bàng, điệp bèo, thị rừng... được công nhận là Cây di sản Việt Nam, thị trấn Côn Sơn của huyện Côn Đảo còn có rất nhiều cây cổ thụ khác gây ấn tượng với du khách.
Hàng cây phượng cổ trên đường dẫn vào di tích chuồng cọp Mỹ, nơi giam cầm những chiến sĩ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ.
Ngày nay, khi du lịch Côn Đảo, mỗi du khách đều không khỏi ngỡ ngàng trước dáng vẻ to lớn, cổ lão của quần thể cây nơi đây. Những hàng cổ thụ góp phần tạo nên không gian trầm mặc, cổ kính rất riêng của Côn Đảo, tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Những cây di sản đã "chứng kiến" một tiến trình phát triển của lịch sử Côn Đảo từ buổi là “địa ngục trần gian” đến thời kỳ Côn Đảo đổi mới tươi đẹp, trở thành điểm du lịch hấp dẫn như ngày nay.
Tác giả bài: Nguyễn Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Hà Nội mới
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn