Ước mơ một lần đến với Côn Đảo để được nghiêng mình trước anh linh của những anh hùng đã hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc luôn cháy bỏng trong tôi.
Điều thích thú và bất ngờ nhất với tôi và không ít du khách khi đến nhiều di tích ở đây là chỉ cần quét mã QR ở mỗi địa điểm là có ngay video thuyết minh sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc về lịch sử Côn Đảo.
Thế nhưng, không nhiều người biết tác giả làm nên bất ngờ, thú vị đó là do hai học sinh Lý Hoàng Anh và Hà Quốc Đạt, Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện.
Đoàn học sinh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Côn Đảo tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm 2023. |
Chia sẻ về “công trình” đã gây bất ngờ cho du khách, em Lý Hoàng Anh cho biết:
“Là học sinh, là người dân của Côn Đảo anh hùng, chúng em hiểu và yêu mến lịch sử oai hùng của mảnh đất này.
Chúng em luôn canh cánh trong lòng, làm sao tuyên truyền, giáo dục nhận thức về truyền thống anh hùng, cách mạng vẻ vang của Côn Đảo để được nhiều người biết tới và ghi nhớ.
Làm sao biến lịch sử Côn Đảo trở nên sống động, dễ nhớ, dễ thuộc, gần gũi với du khách, có như thế Côn Đảo mới mãi mãi trong tim mọi người, được nhiều người yêu hơn.
Vây là chúng em thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 để truyền tải thông tin, lịch sử, số hóa và phát triển ngành du lịch Côn Đảo”.
Khi bắt tay vào thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 để truyền tải thông tin, lịch sử, số hóa và phát triển ngành du lịch Côn Đảo” chúng em gặp không ít khó khăn trở ngại.
Có thể nói, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện đề tài là khi cả nhóm quyết định tái hiện lại các di tích lịch sử Côn Đảo bằng các video thuyết minh.
Để thực hiện, đòi hỏi cả nhóm phải chuẩn bị tất cả tài liệu, hình ảnh, video về những địa điểm di tích.
Những thước phim tài liệu về di tích ở Côn Đảo đã cũ, chỉ có màu trắng đen, không được phổ biến rộng rãi trên internet. Vì thế, chúng em đã phải đi đến tận các di tích để tìm kiếm những kỉ vật còn sót lại, quay phim, chụp hình.
Đó là một quá trình đi sớm về khuya để quay clip mỗi ngày. Rất vui là việc làm của chúng em được các cô chú tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo ủng hộ, động viên".
Chia sẻ về khó khăn của học sinh nơi đảo xa, bạn Hà Quốc Đạt cho hay: “Do khoảng cách địa lí, Côn Đảo cách xa đất liền nên việc giao lưu học hỏi những anh chị, thầy cô có dự án trước bị hạn chế. Cả nhóm chưa có nhiều kinh nghiệm.
Chúng em đến cuộc thi với ý tưởng và nhiệt huyết muốn góp phần chung tay đưa lịch sử quê hương đến với đông đảo du khách. Nhưng có lẽ người giúp chúng em định hướng đúng đắn để biến dự án đó áp dụng vào thực tế, đưa đi thi là thầy Trần Song Hào, giáo viên hướng dẫn của chúng em.
Khi chúng em trình bày ý tưởng và mục tiêu dự án muốn truyền tải, thầy Trần Song Hào đã định hướng cho chúng em phương pháp nghiên cứu.
Để việc khảo sát, kiểm chứng hiệu quả của dự án trong việc truyền tải các giá trị lịch sử, chúng em đã tổ chức khảo sát cho hơn 400 bạn học sinh tại Côn Đảo bằng cách cho các bạn đi tham quan trực tiếp các di tích lịch sử, từ người thật, việc thật, rút ra phương pháp, quy trình thực hiện.
Thầy Trần Song Hào hướng dẫn chúng em hoàn thiện, tổng hợp kết quả khảo sát, phát triển nội dung sau đó bổ sung, hướng dẫn những chỗ còn thiếu sót.
Thật may mắn là dự án đã được hoàn thành với kết quả tốt mà không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra với các bạn học sinh”.
|
Em Lý Hoàng Anh và Hà Quốc Đạt cùng giáo viên hướng dẫn Trần Song Hào trước gian hàng của mình |
Do đặc thù huyện Côn Đảo xa xôi nên việc tham gia các cuộc thi do tỉnh tổ chức thực sự là một vấn đề lớn đối với không chỉ bản thân các bạn học sinh tham gia mà còn đối với giáo viên hướng dẫn dự án.
Vì vậy, cuộc thi có học sinh Côn Đảo tham gia luôn được sự quan tâm hỗ trợ của nhà trường và các cơ quan, lãnh đạo giáo dục huyện Côn Đảo. Các em tham gia thi Khoa học kĩ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2023 được di chuyển bằng máy bay từ đảo vào đất liền.
Tất cả chi phí, thủ tục đều được nhà trường cũng lãnh đạo huyện chuẩn bị rất chu đáo giúp các em không lo lắng và cố gắng để có phần thi tốt nhất.
Trong 4 năm tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật gần đây, Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu huyện Côn Đảo luôn có giải. Năm 2023, trường có 1 đề tài giải Nhất được đi thi quốc gia, một đề tài đạt giải Tư.
Được biết thầy Trần Song Hào là giáo viên bộ môn Sinh học, đã công tác tại Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 5 năm và có 4 năm liên tục hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học đạt giải cấp tỉnh, được cấp trên tin tưởng, học sinh phụ huynh yêu mến.
Thầy Trần Song Hào chia sẻ: "Sau khi biết được hai em Lý Hoàng Anh và Hà Quốc Đạt có ý tưởng dùng mã QR để giúp du khách hiểu và dễ nhớ, dễ thuộc về lịch sử bi hùng của Côn Đảo trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, tôi đã động viên hai em tham dự cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường, được chọn đi cấp tỉnh, nay lại được chọn đi thi quốc gia.
Tôi thật sự ngạc nhiên, khâm phục với tinh thần tự học, sáng tạo, làm việc không mệt mỏi của Lý Hoàng Anh và Hà Quốc Đạt.
Đề tài áp dụng vào thực tế đã mang lại hiệu quả bất ngờ, ngoài mong đợi của cả trò và thầy, sự hài lòng, thú vị, của du khách khi đến với Côn Đảo là quà tặng vô giá với chúng tôi".
Trực tiếp trải nghiệm kết quả của dự án, trực tiếp nghe Lý Hoàng Anh và Hà Quốc Đạt thuyết trình về việc mình đã làm khi thực hiện dự án, tôi cảm nhận rất rõ ràng một đề tài do học sinh làm thật, kết quả thật, trải nghiệm thật.
Tác giả bài: Nguyễn Thanh Thanh
Nguồn tin: Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn