Thông tin Tổng quan huyện Côn Đảo

Thứ ba - 14/03/2023 17:02
Côn Đảo được xem là hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo thật trong lành, được ví như thiên đường nghỉ dưỡng. Sở hữu rừng nguyên sinh và biển được bảo tồn đa dạng sinh học, Côn Đảo không chỉ là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học mà còn là nơi để du khách đến du lịch khám phá, với các chương trình du lịch sinh thái hấp dẫn.
Côn Đảo là một quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ và là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Côn Đảo có tọa độ địa lý: từ 8°34’ đến 8°49 vĩ độ Bắc; từ 106°31’ đến 106°45’kinh độ Đông, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 185km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 230km và cách cửa sông Hậu 83km. Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, với diện tích 76 km2. Trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn, có diện tích 57 km2 là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của huyện.
Về mặt hành chính, Côn Đảo là huyện duy nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không có đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Dưới cấp huyện có 09 Khu dân cư, dân số trung bình huyện Côn Đảo năm 2022 khoảng hơn 12.000 người
Côn Đảo cách đường hàng hải quốc tế 60 km. Vị trí của Côn Đảo là một nút giao thông trên biển của vùng biển phía Nam của nước ta. Đây là ngã tư của đường biển quốc tế, điểm cắt của hai tuyến đường hàng hải từ phía Nam lên phía Bắc Á và tuyến hàng hải đi từ phía Đông sang phía Tây và ngược lại.
côn đảo

Côn Đảo được xem là hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo thật trong lành, được ví như thiên đường nghỉ dưỡng. Sở hữu rừng nguyên sinh và biển được bảo tồn đa dạng sinh học, Côn Đảo không chỉ là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học mà còn là nơi để du khách đến du lịch khám phá, với các chương trình du lịch sinh thái hấp dẫn.
PHẦN 1: ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN
1. Đặc điểm địa hình
Phần lớn diện tích đất huyện Côn Đảo phân bố trên các dạng địa hình núi dốc mạnh và có tầng đất hữu hiệu mỏng. Diện tích của Côn Đảo có tới 2/3 là rừng núi; địa hình được chia làm hai vùng rõ rệt là vùng đồng bằng và vùng núi. Những điểm cao nhất trên đảo là đỉnh Núi Thánh Giá và Núi Chúa, có độ cao 577 m và 515 m. Điểm cao nhất trên các đảo nhỏ là 200 m. Tuy nhiên, phần lớn vùng nước biển xung quanh các đảo chỉ sâu không quá 30m
côn đảo

2. Địa chất - thổ nhưỡng
          Quần đảo Côn Đảo nằm ở rìa Đông Bắc của khối nhô Côn Sơn, tạo thành bởi các thành hệ đá mác ma phun trào và xâm nhập, bao gồm: Micrôgranít, Diorit và Riolit có tuổi từ Mezozoi muộn đến Kainozoi sớm phân bố trên phần lớn các đảo. (Riêng đá Granit ở Hòn Bà và Nam Côn Sơn chưa định được tuổi).
          Trầm tích đệ tứ tạo thành lớp phủ trên bề mặt đáng chú ý là các thành tạo có nguồn gốc biển gồm: các trầm tích cát, mảnh vụn sinh vật ở khu vực Cỏ Ống, thị trấn Côn Đảo và doi cát nối đảo ở Hòn Bảy Cạnh.
          3. Khí hậu
          Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên chế độ khí hậu của Côn Đảo ôn hòa hơn so với đất liền.
          Nhiệt độ: trung bình năm 26°C, có tháng nhiệt độ bình quân cao nhất 28°3 (tháng 5), nhiệt độ bình quân thấp nhất 25°3 (tháng 1), Biên độ nhiệt giữa tháng lạnh và tháng nóng nhất là 3°C.
          Lượng mưa: trung bình năm 2.200 mm, số ngày mưa trung bình năm 166 ngày, tháng có lượng mưa cao nhất (tháng 10) 348 mm. Chế độ mưa phân thành 2 mùa: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
          Độ ẩm không khí: trung bình năm là 90%, biên độ biến thiên của độ ẩm không khí trong năm là 5%.
         Chế độ gió: Hướng gió thịnh hành trong mùa mưa là gió Tây, mùa khô là gió Tây Bắc, Đông Bắc. Đặc biệt gió Đông Bắc trong mùa khô mạnh có khi tới cấp 6-7 (gió chướng), gió thổi mạnh và kéo dài cùng với sự nắng gắt, nhiệt độ cao, bốc hơi nước mạnh.
PHẦN 2: TIỀM NĂNG THU HÚT ĐẦU TƯ CÔN ĐẢO
1. Tài nguyên rừng
Theo số liệu kiểm kê đất đai (tính đến cuối năm 2020), tổng diện tích đất lâm nghiệp của Côn Đảo là 6.526,05 ha, chiếm 86,1% diện tích tự nhiên toàn Côn Đảo, trong đó chủ yếu là rừng đặc dụng 5.901,03 ha, đất rừng sản xuất 625,02 ha.
Theo kết quả điều tra của Phân viện điều tra quy hoạch rừng II, rừng ở Côn Đảo mang những đặc trưng của nhiều hệ sinh thái với những khu hệ động thực vật rất phong phú, bao gồm: Hệ sinh thái rừng cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới, hệ sinh thái rừng trên đồi cát và bãi cát ven biển và hệ sinh thái rừng sát và hậu rừng sát. Về số lượng loài: Trên địa bàn huyện có khoảng 1.077 loài thực vật, thuộc 640 chi, 160 họ thực vật bậc cao có mạch, trong 6 ngành thực vật.
côn đảo

Về động vật, cũng theo kết quả điều tra của Phân viện điều tra quy hoạch rừng II: khu hệ động vật có xương sống trên cạn của Vườn quốc gia Côn Đảo khá phong phú, bao gồm 155 loài động vật thuộc 64 họ, 26 bộ gồm 25 loài thú, 85 loài chim, 32 loài bò sát và 13 loài ếch nhái. Kết quả khảo sát cũng đã xác định tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 29 loài quý hiếm, bao gồm: 09 loài thú, 11 loài chim, 09 loài bò sát và lưỡng cư.
côn đảo

2. Tài nguyên biển
Vườn Quốc Gia Côn Đảo trực thuộc hệ thống rừng đặc dụng và là khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam; là thành viên mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương – Đông Nam Á.
Hệ sinh thái biển của Vườn quốc gia Côn Đảo rất đa dạng và phong phú với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như hệ sinh thái rừng ngập mặn (32 ha), hệ sinh thái cỏ biển (1.000 ha), hệ sinh thái rạn san hô (1.800 ha). Vùng biển Côn Đảo được đưa vào danh sách “các vùng được ưu tiên bảo vệ cao nhất” trong hệ thống các vùng bảo vệ biển của ngân hàng thế giới. Các nghiên cứu đã xác định được khoảng 1.725 loài sinh vật biển với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 360 loài san hô, 130 loài giun nhiều tơ, 116 loài giáp xác, 187 thân mềm, 115 loài da gai, 205 loài cá rạn san hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 07 loài thú biển. Hệ sinh thái biển Côn Đảo là nơi cư trú của 7 loài rất nguy cấp, 67 loài nguy cấp và sẽ nguy cấp (theo Sách Đỏ Việt Nam, 2007) và trên 300 loài san hô cứng thuộc danh mục CITES.
côn đảo
 
côn đảo

Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi có số lượng rùa biển lên đẻ hàng năm, nơi thực hiện việc bảo tồn và cứu hộ Rùa xanh (Green turtle) nhiều nhất của Việt Nam và quan trọng của khu vực Đông Nam Á - Ấn Độ Dương.
3. Tài nguyên du lịch
a. Tài nguyên du lịch tự nhiên
- Các giá trị hệ sinh thái: Các giá trị sinh thái ở Côn Đảo tập trung ở Vườn quốc gia. Vườn quốc gia Côn Đảo có hệ sinh thái tự nhiên mang giá trị cao về đa dạng sinh học rừng, đất ngập nước và biển. Hệ động, thực vật đặc hữu, quý, hiếm tiêu biểu cho các hệ sinh thái, đã, đang và sẽ trở thành các tiềm năng cho đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái có đẳng cấp quốc gia, quốc tế, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù và nổi tiếng: Trải nghiệm xem rùa biển đẻ trứng và thả rùa con về biển tại các đảo nhỏ; Bơi xem san hô, lặn khám phá hệ sinh thái biển; Khám phá sân chim biển ở đảo Hòn Trứng; Đi bộ, khám phá xuyên rừng…
- Các giá trị cảnh quan thiên nhiên: Côn Đảo, một quần đảo trong xanh giữa biển Đông là một thiên đường du lịch xanh với bờ cát trắng, biển trong xanh, với những cánh rừng nguyên sinh, hoà cùng những bãi cát vàng với nhiều đảo nhỏ bao quanh. Vì vậy có thể chiêm ngưỡng, đánh giá Côn Đảo một cách toàn cảnh hoặc theo từng vị trí từng góc độ khác nhau. Có thể định hình hai dạng cảnh quan chính ở Côn Đảo như sau:
+ Cảnh quan đất liền trên đảo bao gồm các khu vực rừng nguyên sinh rộng và được tạo bởi các khu vực đồi và vách dốc.
+ Cảnh quan biển đa dạng và phong phú, điển hình là các khu vực nước nông quanh các đảo nơi có các rạn san hô, các thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Đây là nơi cư trú sinh sống của nhiều loài sinh vật biển cũng như hàng chục các loài có giá trị thương mại đáng kể cho nền kinh tế địa phương.
Những cảnh quan này có thể được chiêm ngưỡng tại nhiều điểm khác nhau như Đầm Tre, bãi Ông Cường, bãi Đầm Trầu, bãi San Hô, bãi Ông Đụng, đỉnh Thánh Giá, hòn Tre lớn, hòn Bà, hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, suối Nhật Bản. Du khách sẽ hết sức sảng khoái khi được ngắm hoàng hôn hoặc ban mai tuyệt đẹp tại đỉnh Tình Yêu, bãi Nhát, đỉnh Thánh Giá hoặc có thể trên ban công của phòng nghỉ.v.v.
côn đảo
 
côn đảo

b. Tài nguyên du lịch về văn hóa lịch sử
Trên địa bàn Côn Đảo có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo với nhiều di tích văn hoá, lịch sử tiêu biểu như: Hệ thống nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo; và các di tích văn hóa khác như Nhà Công quán, Miếu Bà Phi Yến, Miếu Cậu, Chùa Núi Một.
Ngoài ra, ẩm thực và đặc sản Côn Đảo cũng là một tài nguyên du lịch quan trọng, hấp dẫn du khách với các món ăn nổi tiếng như: Ốc Vú nàng, Cua Mặt trăng, Tôm hùm đỏ, Mắm hàu, Mứt hạt bàng Côn Đảo. Bên cạnh đó, cá Mú đỏ Côn Đảo, Mực một nắng Côn Đảo, Cá Thu Côn Đảo, khô mực, tôm khô, cá khô, v.v... là những sản phẩm làm quà biếu có giá trị cho khách du lịch trong mỗi chuyến đến thăm Côn Đảo.
 
côn đảo
 
côn đảo

PHẦN 3: DU LỊCH CÔN ĐẢO
* Về cơ sở lưu trú: năm 2022 có 142 cơ sở lưu trú hoạt động kinh doanh, với tổng số 2.689 phòng, sức chứa 6.976 người/ngày. Chất lượng cơ sở lưu trú du lịch: Resort 5 sao: 01; khách sạn 4 sao và tương đương: 05; khách sạn 03 sao và tương đương: 03; khách sạn tiêu chuẩn có chất lượng tương đương 1 – 2 sao: 78; nhà nghỉ và homestay: 53; nhà khách: 02.
côn đảoe
The Secret Con Dao - Khách sạn 4 sao tại Côn Đảo
* Về nhà hàng, quán ăn, cơ sở mua sắm quà lưu niệm
Đến năm 2022, có 98 nhà hàng, quán ăn đang hoạt động, có 41 cơ sở mua sắm quà tặng, quà lưu niệm. Dịch vụ nhà hàng, quán ăn, mua sắm cũng tăng nhanh về số lượng, quy mô lớn hơn. Có khoảng 17 Công ty hoạt động trong các lĩnh vực lữ hành, lặn biển, thể thao dưới nước.
* Về sản phẩm dịch vụ
Hiện có 48 điểm và 27 tuyến tham quan trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo với các loại hình dịch vụ gồm: ngắm cảnh thiên nhiên hoang dã, cắm trại dã ngoại; đi bộ, đi xe đạp leo núi, bơi có ống thở hoặc lặn có bình dưỡng khí xem san hô, sinh vật biển; xem rùa biển đẻ trứng trong mùa sinh sản, thả rùa con về biển, ngắm chim biển, động vật rừng, tham quan hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo, Bảo tàng Côn Đảo, Đền thờ Côn Đảo, di tích Nghĩa trang Hàng Dương… Các chương trình nghệ thuật đặc biệt, Lễ giỗ, Lễ hội… nhân kỷ niệm ngày lễ, giỗ và các sự kiện quan trọng của đất nước.
con dao
Lễ giỗ Bà Phi Yến ở Côn Đảo - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng gồm có mực một nắng, cá thu một nắng, mực khô, tôm khô, đông trùng hạ thảo, hạt bàng Côn Đảo, Ngọc trai Côn Đảo, rượu Nho Côn Đảo, rượu Sâm đất Côn Đảo…; thí điểm phát triển 01 điểm du lịch cộng đồng Nho Côn Đảo. Các dịch vụ: Quầy bar, nhà hàng, spa, massage, phòng họp, phòng hội nghị, fitness center, dịch vụ trông trẻ, bể bơi, … trong các cơ sở lưu trú ở phân khúc 4 - 5 sao; ngoài ra tại Khu nghỉ dưỡng Sixsen có sản phẩm du lịch ấp, thả rùa con về biển.
cd

* Về cơ sở hạ tầng giao thông
a. Giao thông đường bộ
Theo đó tổng số kilomet đường giao thông hiện hữu trên địa bàn là: 78,32km (số kilomet đường đô thị là 69,93km; đường chuyên dùng là 8,39km).
+ Về loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có 02 đơn vị đang có phương tiện hoạt động là: Công ty CP Tập đoàn vận tải Sài Gòn – chi nhánh Côn Đảo có 40 xe; Chi nhanh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại Côn Đảo có 34 xe.
+ Về loại hình kinh doanh vận tải hành khách đường bộ bằng xe chở người bốn bánh gắn động cơ, tốc độ hạn chế có 05 đơn vị đang có phương tiện hoạt động là: DNTN gas Thu Tâm có 50 xe; Công ty TNHH Đức Xuân có 25 xe; Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại Côn Đảo có 10 xe; Công ty Cổ phần đầu tư du lịch vận tải xanh CN Vũng Tàu có 19 xe; Công ty Cổ phần phát triển Côn Đảo có 30 xe.
+ Về loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có khoảng 281 xe đang hoạt động.
b. Giao thông đường hàng không
Cảng hàng không Côn Đảo là sân bay cấp 3C (theo ICAO), các công trình khu bay và khu HKDD được xây dựng đáp ứng máy bay khai thác là ATR-72 và tương đương. Có 03 hãng vận chuyển hành khách gồm Vietnam Airlines, Bamboo Airways và trực thăng. Những tháng đầu năm trong thời điểm ổn định, trung bình mỗi ngày có từ 26 - 30 chuyến máy bay vận chuyển khách đến Côn Đảo.
sanbaycd

c. Giao thông đường thủy
* Hiện trạng cảng Bến Đầm:
Đang triển khai dự án Mở rộng, nâng cấp cảng Bến Đầm với tổng mức đầu tư 135,248 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Sau khi nâng cấp, cảng Bến Đầm có thể tiếp nhận tàu 3.000WDT ra vào làm hàng. Trong đó đã hoàn thành, tạm thời bàn giao đưa vào sử dụng Cầu dẫn mới. Hệ thống đèn chiếu sáng được trang bị đầy đủ cả trên cầu cảng cũ và cầu dẫn mới đảm bảo an toàn phục vụ cho các loại tàu cập cảng và làm dịch vụ. Hệ thống phòng cháy chữa cháy hoạt động bình thường đảm bảo an toàn.

* Hiện trạng Bến thủy nội địa:
heo phân cấp quản lý huyện Côn Đảo có 10 luồng thủy nội địa với tổng chiều dài 70,6km và 26 cảng, bến thủy nội địa. UBND huyện đã cấp phép hoạt động bến thủy nội địa 11/26 cảng, bến thủy nội địa theo công bố; phần lớn các bến thủy nội địa trên địa bàn huyện là bến tự nhiên, chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho việc cập cảng và phục vụ hành khách như cầu dẫn, nhà chờ, đèn chiếu sáng, luồng và mặt nước trước bến bị bồi đắp…; các bến đã được xây dựng gồm: bến tại cầu tàu du lịch (được cấp phép hoạt động) và bến tại khu tránh trú bão đã được đầu tư xây dựng hiện đang xin chủ trương cho mở bến thủy nội địa tại khu neo đậu tránh trú bão.…

* Phương tiện đường thủy:
Hiện Côn Đảo có 03 hãng vận chuyển hành khách ra Côn Đảo gồm: Hãng tàu cao tốc Phú Quốc 03 tàu sức chở khoảng 598 khách; Hãng tàu Superdong 02 tàu sức chở khoảng 306 khách; ngày 03/4/2021, Công ty Cổ phần Mai Linh Tây Đô đang khai thác 01 tàu cao tốc Mai Linh Express tuyến Cần Thơ - Côn Đảo, sức chở khoảng 339 khách. Dự kiến trong năm 2023, Hãng tàu cao tốc Phú Quốc đưa vào khai thác tàu công suất 1000 khách; Công ty Cổ phần Mai Linh Tây Đô khai thác thêm tuyến tàu cao tốc từ Vũng Tàu – Côn Đảo.
cd

Nguồn tài liệu thông tin:
      - Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030 (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3779/QĐ-UBND ngày 09/11/2021).
       - Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Côn Đảo đến năm 2030.
       - Báo cáo số 462/BC-UBND ngày 08/12/2022 của UBND huyện về Kết quả phát triển du lịch năm 2022 trên địa bàn huyện Côn Đảo.
       - Báo cáo số 108/BC-KT ngày 05/12/2022 của Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo về Tình hình quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn huyện.
       - Báo cáo định hướng đề xuất số 35 Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và bố trí không gian, sử dụng đất huyện Côn Đảo thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Liên doanh tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tác giả bài: Hoàng Tuyết Ngân

Nguồn tin: Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo

 Tags: , , , , , , , , , , , , ,

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập138
  • Hôm nay7,133
  • Tổng truy cập22,426,486
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây