Côn Đảo hướng đến giảm rác thải nhựa và phát động phân loại rác tại nguồn
Thứ ba - 01/11/2022 16:05
Với thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương”, UBND huyện Côn Đảo đã cam kết tham gia mạng lưới “Đô thị giảm nhựa” của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Với nhiều giải pháp tích cực, Côn Đảo đang hướng đến mục tiêu trở thành “Điểm đến giảm nhựa”.
Theo cam kết với WWF - Việt Nam, UBND huyện Côn Đảo phấn đấu trở thành điểm đến giảm nhựa, với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường năm 2025; ghi tên mình trở thành địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu của WWF và thứ 34 trên thế giới tham gia vào mạng lưới các đô thị giảm nhựa này.
Với đặc thù nằm giữa biển, Côn Đảo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác nhựa đại dương, nhất là ở các khu rừng ngập mặn, các rạn san hô và các bãi đá. Những năm gần đây, lượng khách du lịch tăng nhanh cũng khiến lượng rác thải nhựa tăng lên đáng kể. Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày tại Côn Đảo khoảng 17-20 tấn/ngày, lượng rác tồn đọng chưa xử lý là hơn 70.000 tấn tại khu vực Bãi Nhát. Chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm, trong đó rác thải nhựa phát sinh tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chiếm 33,3%.
Giảm ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh, huyện và nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quan tâm trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của huyện Côn Đảo. Từ tháng 3/2022, WWF-Việt Nam và UBND huyện Côn Đảo tổ chức ký cam kết “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa”. Chiến dịch nhằm tập trung nâng cao nhận thức của khách du lịch để mỗi du khách có trách nhiệm hơn khi đến thăm Côn Đảo.
Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, DN, cộng đồng dân cư và du khách trong việc giảm tiêu thụ nhựa sử dụng một lần, xử lý lượng rác thải tồn đọng trong môi trường, tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và tập trung xử lý chất thải nhựa.
Sau 7 tháng triển khai, đã có nhiều hoạt động được tổ chức nhằm tuyên truyền về bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa trên địa bàn huyện Côn Đảo như: Tuần lễ giảm nhựa trên phạm vi toàn đảo; triển lãm “Du hí biển nhựa” kết hợp “Ngày hội Đổi rác lấy quà”; vận động người dân địa phương tham gia giảm nhựa; thực hiện giảm nhựa trong Khu bảo tồn biển bằng các biện pháp thu gom rác trong khu sinh thái, rạn san hô, rừng ngập mặn.
Chương trình “Đổi rác lấy quà” được Huyện đoàn Côn Đảo phối hợp với WWF, Momo và các doanh nghiệp du lịch tại địa phương triển khai.
Mới đây, đầu tháng 8/2022, Ban quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo đã thực hiện tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia “Tuần lễ giảm nhựa”; phối hợp với WWF-Việt Nam dán poster và phát Sổ tay “Giảm nhựa khi du lịch ở Côn Đảo” đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn. Qua đó, truyền thông đến du khách trong và ngoài nước thông điệp giảm nhựa tại Côn Đảo.
Côn Đảo Resort (đường Nguyễn Đức Thuận, Khu dân cư số 5) dán poster “Giảm nhựa khi du lịch ở Côn Đảo”
Chị Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý dự án hợp phần thủy sản và khu bảo tồn biển WWF-Việt Nam cho biết, để chiến dịch đạt hiệu quả hơn và giảm rác nhựa từ đầu nguồn, WWF đã phối hợp với huyện Côn Đảo xây dựng kế hoạch hành động 5 năm giảm nhựa. Đồng thời, thực hiện chương trình theo dõi và giám sát “giảm rác thải nhựa đại dương” dành cho 11 khu bảo tồn biển trong cả nước trong đó có Côn Đảo. Hoạt động này thực hiện định kỳ 2 lần/năm và hỗ trợ Vườn Quốc gia Côn Đảo thu gom rác thải nhựa dưới nước mỗi năm một lần.
Cùng với đó là nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực như: bảo tồn rùa biển, giảm rác nhựa cho hệ sinh thái; tập huấn cho giáo viên kiến thức, kỹ năng, hoạt động ngoại khóa liên quan đến rác thải nhựa với mô hình “trường học không rác thải nhựa”; tổ chức hoạt động về giảm rác thải nhựa, ngày hội tái chế; cung cấp dụng cụ sử dụng nhiều lần, cung cấp thùng rác, hỗ trợ giáo viên thu gom rác nhựa thành những sản phẩm cung cấp cho việc dạy học tại trường; tập huấn cho khu dân cư về phân loại rác rại nguồn, xử lý rác hữu cơ và tái chế phân composit…
Rác thải được phân loại thành 3 loại: chất thải tái chế (thùng màu cam), chất thải hữu cơ (thùng màu xanh) và chất thải còn lại (thùng màu vàng)
Ngày 30/10, UBND huyện Côn Đảo tổ chức lễ phát động thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Ông Huỳnh Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại lễ phát động thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Việc phát động thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức đến hành động của người dân trong việc thực hành phân loại rác tại nguồn.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý dự án hợp phần thủy sản và khu bảo tồn biển WWF-Việt Nam
Triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện để tận dụng các thành phần có ích trong chất thải, giảm thiểu khối lượng chất thải phải xử lý nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm mục tiêu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời hướng tới ứng dụng kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2026, tạo cơ sở và nền tảng nhằm định hướng chiến lược phát triển bền vững huyện Côn Đảo tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện các khu dân cư được trang bị thùng rác để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạttrên địa bàn huyện
Cụ thể, UBND giao Phòng TN-MT chủ trì xây dựng phương án thu gom rác thải để triển khai phân loại rác tại nguồn tại các khu dân cư số: 5, 6, 7, 8 thuộc khu vực trung tâm huyện Côn Đảo. Trong đó, ưu tiên sử dụng hệ thống phương tiện, nhân lực và trang thiết bị hiện hữu do Ban quản lý Công trình công cộng vận hành và điều chỉnh lại lịch thu gom rác. Đồng thời, thông báo rộng rãi, cụ thể thời gian thu gom rác ngay sau khi trang bị thùng rác cho các hộ dân thực hiện phân loại rác thải nhằm bảo đảm rác thải hữu cơ được thu gom hàng ngày. Rác thải tái chế và rác thải còn lại thu gom 2 ngày/tuần/2 xe vào các ngày thứ Ba và thứ Năm.
Công nhân Ban quản lý Công trình công cộng huyện Côn Đảo thu gom rác trong khu dân cư trung tâm huyện.
UBND huyện cũng giao Phòng Tài nguyên và Môi trường và Banquản lý Công trình công cộng huyện sẽ sắp xếp nhân lực, phương tiện bảo đảm phương án xử lý rác thải sau phân loại và thí điểm xử lý theo phương thức rác thải hữu cơ sẽ vận chuyển về khu vườn ươm thuộc Banquản lý Công trình công cộng để thực hiện phân loại lần 2 và ủ phân hữu cơ.
Ban quản lý Công trình công cộng thực hiện thí điểm trồng hoa sau khi thu được sản phẩm phân compost và báo cáo đề xuất phương án thực hiện tiếp theo. Rác thải tái chế giao Ban quản lý Công trình công cộng phân loại lần 2 và tập kết về bãi chứa rác thải xây dựng, lập phương án ép, đóng gói vận chuyển về đất liền để bán phế liệu. Rác thải còn lại vận chuyển về bãi rác.
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.