Huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng sinh thái tự nhiên bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm ngoài khơi cách trung tâm thành phố Vũng Tàu khoảng 97 hải lý. Chỉ hơn 4 giờ đồng hồ trên chuyến tàu cao tốc xuất phát từ cảng Mũi Đá TP.Vũng Tàu, chúng tôi đã đã có mặt trên quần đảo thiêng liêng hùng vỹ, nơi đã ghi dấu những ngày tháng hào hùng của dân tộc trong các cuộc chiến chống thực dân và bè lũ tay sai.
Nhìn từ Biển Đông đi vào đất liền, trước mắt chúng tôi là những hòn đảo nhấp nhô xanh mướt vẫn còn nguyên vẹn vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên đã ban tặng. Trong đó, Côn Đảo là đảo lớn nhất nổi lên giữa biển xanh bao la được bao quanh bởi những bờ cát trắng. Côn Đảo có hình dạng như một con gấu lớn quay lưng về đất liền, chân hướng ra biển Đông.
Côn Đảo thuộc quần đảo nằm giữa đại dương bao la hoàn toàn cách biệt với đất liền. Cũng chính vì sự biệt lập này mà năm 1862 thực dân Pháp quyết định chọn nơi đây để xây dựng hệ thống nhà tù nổi tiếng ở Đông Dương, biến nơi đây trở thành “Địa ngục trần gian” ngay từ những ngày đầu đô hộ của thực dân.
Nghĩa trang hàng dương
Hơn 40 năm chiến tranh đã đi qua, ngày nay huyện Côn Đảo đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, trang web du lịch uy tín Lonely Planet đã xếp hạng Côn Đảo đứng thứ 4 trong danh sách 10 địa điểm ấn tượng tại châu Á cho du khách. Ngoài du lịch, Côn Đảo còn là trung tâm ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ở Côn Đảo và các tỉnh phía Nam.
Ngày 17/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 870/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch xác định chỉ tiêu đến năm 2030 đón được khoảng 300.000 lượt khách du lịch, trong đó có 120.000 lượt khách quốc tế, chiếm 40%.
Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu chọn du lịch là nghành then chốt để thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội. Khác với sự sầm uất của những đô thị du lịch khác, huyện Côn Đảo là một thiên đường thanh bình và yên tĩnh có triển vọng phát triển các loại hình du lịch đặc sắc trong tương lai; đồng thời là vùng biển đảo mang tính đặc trưng riêng của nước ta.
Thực hiện Quyết định số 870/QĐ-TTg, với sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo huyện Côn Đảo cùng sự đồng lòng của toàn dân, đến nay cuộc sống và sinh hoạt của người dân huyện Côn Đảo đã đổi thay rõ nét. Hệ thống giao thông đô thị, sân bay, bến cảng được huyện và tỉnh đầu tư xây dựng khang trang. Ngư trường Côn Đảo sôi động hẳn bởi các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tàu các tỉnh cặp vào Côn Đảo hàng ngàn chiếc mỗi năm; du khách trong và ngoài nước đến Côn Đảo ngày càng nhiều.
Với định hướng rõ ràng, tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo huyện. Côn Đảo đã có những bước chuyển mình nhanh chóng, bắt kịp với nền du lịch văn mình được thể hiện qua sự tăng vọt lượng khách du lịch đến Côn Đảo trong thời gian qua.
Du lịch tâm linh là một phần đặc sắc không thể thiếu của nghành du lịch Côn Đảo. Các khu di tích được chăm sóc và tôn tạo định kỳ nhằm thu hút sự quan tâm của du khách khi đến tham quan ở Côn Đảo như nghĩa trang Hàng Dương, mộ Cô Sáu, hệ thống các nhà tù, chùa Vân Sơn Tự…
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Nhật - Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết: Tiếp tục xây dựng Côn Đảo hùng mạnh, UBND đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với các chỉ tiêu và giải pháp, như:
Doanh thu ngành dịch vụ: 2.007.,09 tỷ, tăng 6,04% so với ước thực hiện năm 2019. Trong đó, chủ đạo là doanh thu dịch vụ và du lịch với 1.658,05 tỷ đồng tăng 6,59% so với ước thực hiện năm 2019
Lượng khách du lịch đến Côn Đảo: 419.750 lượt khách tăng 6,6% so với ước thục hiện năm 2019 trong đó khách quốc tế là 35.100 lượt, tăng 4,10% so với ước thực hiện năm 2019. Để quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu đã đề ra, UBND huyện Côn Đảo đã có những giải pháp cụ thể nhằm phát triển nghành du lịch năm 2020 như: Khuyến khích người dân đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh trong thương mại.
Hình ảnh Côn Đảo nhìn từ Biển Đông.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu và xây dựng thương hiệu, quản lý thương hiệu du lịch Côn Đảo, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận và thực hiện các dự án du lịch phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, khai thác hết tiềm năng du lịch của Côn Đảo. Phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa – lịch sử đồng thời tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ và phát triển du lịch (điện, nước, nhà máy xử lý rác thải, chỉnh trang đô thị,…) hoàn thiện phố đi bộ Tôn Đức Thắng, nghiên cứu mô hình chợ đêm.
Xây dựng và duy trì môi trường du lịch an toàn, văn minh, lịch sự, chú trọng nâng cao chất lượng các loại hình phục vụ nhu cầu của du khách, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh du lịch, tăng cường quản lý chặt chẽ giá cả thì trường, chống tình trạng đầu cơ hàng hóa, ổn định giá cả thị trường đảm bảo đời sông nhân dân Côn Đảo.
Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, vận động người dân ở các khu dân cư trên địa bàn huyện đồng loạt dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải, hưởng ứng phong trào “Côn Đảo - Xanh - Sạch - Đẹp”
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội. Trước thời cơ và vận hội mới không thể tránh khỏi những khó khăn và thách thức, nhưng với quyết tâm cao của đảng bộ và chính quyền Côn Đảo, cũng như sự đồng lòng của toàn dân đang sinh sống nơi đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một Côn Đảo hùng vĩ xứng tầm quốc tế trong tương lai.
Nguồn tin: Báo Công lý và Xã hội
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn