Chiều 2-10, ông Lê Văn Phong, Bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao đổi với PLO xung quanh thông tin “dừng đốt vàng mã tại các điểm di tích trên địa bàn huyện, kể từ 1-10”.
Theo tìm hiểu trước của PLO, ngày 12/6/2023, trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo (thuộc Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có thông báo lộ trình thực hiện chủ trương hạn chế tiến tới dừng dâng cúng, đốt vàng mã trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo.
Thông báo này triển khai theo kế hoạch của UBND huyện Côn Đảo, ban hành đầu tháng 6-2023. Theo đó, trong 3 tháng huyện và các ngành, đơn vị sẽ tuyên truyền, vận động người dân, du khách biết đến chủ trương trên. Kể từ ngày 1-10-2023 sẽ thực hiện dừng việc dâng cúng, đốt vàng mã tại tất cả các điểm di tích, khu di tích trên địa bàn huyện.
Theo ghi nhận của PLO, trong ngày 1-10, khi trung tâm có bảng thông báo dừng việc dâng cúng, đốt vàng mã tại các điểm di tích như lộ trình trước đó thì một số người dân, trong đó có những hộ kinh doanh mặt hàng này tại Côn Đảo bày tỏ chưa đồng tình. Một số người thông tin trên mạng xã hội. Bởi họ cho rằng đã nhập nhiều hàng để kinh doanh nhưng do dừng nên gây khó khăn...Sau đó, bảng thông báo đã được thu hồi.
Tuy nhiên, chủ trương trên cũng nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Bởi đây là nếp sống văn minh, không lãng phí, tốn kém đồng thời giữ gìn môi trường Côn Đảo xanh, sạch, đẹp.
Trao đổi với PLO, ông Lê Văn Phong khẳng định, từ 1-10 trở đi, huyện cùng các ngành, đơn vị vẫn tiến hành tuyên truyền, vận động người dân, du khách, tiểu thương thực hiện chủ trương trên. Sau thời gian này, huyện sẽ có kiểm tra, đánh giá lại.
Huyện không có thẩm quyền cấm mà chỉ tuyên truyền, vận động người dân hiểu ý nghĩa chủ trương trên. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động cần tiến hành trong thời gian lâu dài, không chỉ ngày một, ngày hai...
Theo báo cáo của huyện Côn Đảo, trên địa bàn có 20 di tích, trong đó: 1 khu di tích Quốc gia đặc biệt (gồm 20 điểm di tích), 2 di tích cấp tỉnh, 16 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Các di tích trên địa bàn huyện là điểm đến thăm viếng của đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế; trung bình có khoảng 2.500 - 3.000 lượt khách/ngày, cao điểm có trên 4.000 lượt khách/ngày.
Lượng du khách đến các điểm di tích ngày càng tăng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề, các cơ sở dịch vụ du lịch phát triển, trong đó có dịch vụ đồ Lễ. Có 29 cơ sở đã được huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh các mặt hàng đồ lễ (hoa, trái cây, vàng mã...) và nhiều cơ sở khác có hoạt động mua bán đồ lễ tự phát...
Thời gian gần đây, việc dâng cúng, đốt vàng mã có biểu hiện bị lạm dụng, biến tướng sang các hình thức mê tín dị đoan. Ước tính, trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 1.400 - 1.600 bộ vàng mã được hóa (đốt) tại các điểm di tích. Nơi đốt vàng mã trong các di tích xuất hiện tình trạng quá tải, gây khói bụi độc hại ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và gây lãng phí.
Cùng với chủ trương chung của Bộ VH-TT&DT, nhiều di tích, đền chùa ở các địa phương khác đã thực hiện việc dừng đốt vàng mã và nhận được sự đồng thuận cao. Do đó, Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa 10 đã thống nhất cao chủ trương tuyên truyền, vận động người dân, du khách và tiểu thương hạn chế, tiến tới dừng dâng cúng, đốt vàng mã tại các điểm di tích, khu di tích trên địa bàn như nêu trên.
Tác giả bài: Vân Võ Thị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn