Chú trọng phát triển bền vững
Cách TP. Vũng Tàu khoảng 185km về phía Đông Nam, Côn Đảo có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, có vai trò, vị trí trọng yếu chiến lược về quốc phòng, an ninh của quốc gia. Đồng thời có tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn giá trị di tích lịch sử cách mạng và thiên nhiên Vườn quốc gia Côn Đảo.
Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Chính trị đã xác định nhiệm vụ tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu dự trữ sinh quyển, rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Côn Đảo và “đầu tư mở rộng cảng hàng không Côn Đảo”.
Du khách tham gia nhặt rác ở Hòn Bảy Cạnh. |
Thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154 của Chính phủ, tỉnh đã tổ chức xây dựng Đề án “Phát triển Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mục tiêu đến năm 2030, huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Côn Đảo, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ du lịch và dịch vụ chất lượng cao, trên cơ sở chú trọng hiệu quả, chất lượng và yêu cầu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội. Tầm nhìn đến năm 2045 phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; là khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng và an ninh.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, huyện Côn Đảo hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như: Các ngành kinh tế phát triển với quy mô nhỏ, thiếu tính bền vững; còn thiếu các cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển vào Côn Đảo. Du lịch phát triển còn chậm, chưa tạo dược nhiều sản phẩm và tuyến điểm du lịch mới.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng được xây dựng còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ; giao thông giữa Côn Đảo với đất liền còn khó khăn; sân bay nhỏ, hạn chế trong thu hút khách du lịch. Việc khai thác, sử dụng các tài nguyên, lợi thế sẵn có còn chậm, hiệu quả thấp, chưa tạo được bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội cho huyện; diện tích đất xây dựng không nhiều; nguồn nước ngọt hạn chế; chất lượng giáo dục, y tế còn nhiều hạn chế.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hạnh, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, cho rằng phát triển du lịch ở Côn Đảo nên gắn với bảo tồn các giá trị tài nguyên tự nhiên, văn hóa, xã hội và môi trường, là yêu cầu tất yếu trong định hướng phát triển du lịch bền vững. Cách tiếp cận này tập trung vào việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế ngắn hạn và bảo tồn lâu dài, đảm bảo rằng du lịch không gây hại môi trường và cộng đồng địa phương, mà ngược lại, góp phần vào sự phục hồi và bảo tồn.
Việc phát triển du lịch cần lưu ý đến sức tải của môi trường, cơ sở hạ tầng, kinh tế và tiềm lực, khả năng chịu đựng của cộng đồng địa phương, nên tăng cường khả năng phục hồi, phát triển du lịch tái tạo. Côn Đảo có thể tái sử dụng đất suy thoái cho canh tác nông nghiệp kết hợp du lịch. Cộng đồng địa phương tái tạo và bảo tồn các khu rừng nguyên sinh thông qua các khu nghỉ dưỡng sinh thái hay phục hồi đa dạng sinh học với việc bổ sung các loài hoang dã, hoặc các tour du lịch cho du khách trồng cây tại điểm đến, dựa vào hoạt động du lịch mà hồi sinh, khôi phục một di tích văn hóa lịch sử, một nghề, một sản phẩm thủ công truyền thống.
Một số chỉ tiêu phát triển cụ thể trong Đề án: Lượng khách du lịch năm 2030 đạt khoảng 1,7 triệu khách/năm và năm 2045 khoảng 2,3 triệu khách/năm. Về kinh tế - xã hội: Đến năm 2030 huyện cơ bản hoản thành chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh; hoàn thành kiến trúc chính quyền điện tử; đảm bảo hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục,..cho người dân. Tỷ lệ lao động qua bằng cấp, chứng chỉ đạt 43-48%, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt khoảng 85%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 100%,…
Về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đến năm 2030: Duy trì độ che phủ rừng và cây xanh đạt 90%; duy trì kết quả thu gom và xử lý 100% chất thải y tế; thu gom và xử lý 100% nước thải sinh hoạt; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý 100%; đảm bảo 100% cơ sở du lịch, sản xuất xây dựng mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm đạt tiêu chuẩn môi trường...
“Côn Đảo có thể cấp giấy chứng nhận cho du khách có tính trách nhiệm cao trong bảo vệ môi trường khi đi du lịch; tổ chức các tour du lịch không dùng đồ nhựa và tự quản lý rác thải, tour du lịch thiện nguyện và xã hội, hướng tâm nhân văn,… nhằm tạo điều kiện cho du khách tham gia công tác bảo vệ môi trường cũng như có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng địa phương mà họ đến thăm”, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hạnh hiến kế.
Ông Nguyễn Văn Trình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc phát triển Côn Đảo phải chú ý quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là về giao thông và hạ tầng điện, nước; có chính sách, cơ chế đặc thù cho Côn Đảo phát triển, phát triển chậm mà chắc.
Tác giả bài: Nguyễn Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn