Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu

Thứ năm - 23/05/2019 23:08
Thời kháng chiến chống Pháp, Chị Võ Thị Sáu là người phụ nữ duy nhất bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo và hành hình tại Côn Đảo. Gương kiên trung bất khuất của Chị đã trở thành niềm tự hào của tuổi trẻ cả nước. Chị hiện hữu trong lòng người dân như một vị anh hùng đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

Phần mộ Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu tại Côn Đảo

 

I. SINH THÀNH TỪ QUÊ HƯƠNG CÁCH MẠNG

Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thân sinh Chị là ông Võ Văn Hợi và bà Nguyễn Thị Đậu. Ông bà có sáu người con, Chị là người con thứ năm trong gia đình (theo cách gọi ở Nam bộ là thứ sáu).

Quê hương Đất Đỏ có núi Châu Viên hùng vĩ, có biển Long Hải bao quanh, mũi Kỳ Vân thơ mộng, có chùa Long Bàn dáng vẻ uy nghiêm với lối kiến trúc đậm đà sắc thái dân tộc, có xã Long Mỹ (nay là Phước Hội anh hùng) một trong những nơi có cơ sở cách mạng đầu tiên trong tỉnh. Kế đó là xã Phước Hải, nơi chi bộ cộng sản đầu tiên ở vùng Bà Rịa – Vũng Tàu ra đời (1934) khi Chị Võ Thị Sáu mới tròn một tuổi.

Quê hương Đất Đỏ giàu truyền thống cách mạng đã sản sinh ra người thiếu nữ Anh hùng Võ Thị Sáu. Lớn lên trong cảnh đất nước lầm than, chính mắt chị đã chứng kiến cảnh giặc Pháp và bọn Việt gian hà hiếp, giết chóc đồng bào, tàn phá quê hương mình. Vì vậy Chị đã sớm có lòng căm thù giặc.

Năm 1947 (14 tuổi) Chị gia nhập vào đội Công an xung phong quận Đất Đỏ trừng trị ác ôn, bảo vệ dân làng. Từ đó, Chị trở thành người chiến sỹ trinh sát làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian.

II. GƯƠNG NGƯỜI THIẾU NỮ ANH HÙNG

Ngày 14/7/1948, Chị đã dũng cảm dùng lựu đạn tấn công cuộc mít tinh do địch tổ chức tại chợ Đất Đỏ. Trận đánh ấy đã làm cho tên tỉnh trưởng Lê Thành Tường mất mặt với quan Tây. Đồng bào Đất Đỏ thì hết lời ngợi khen Việt Minh “xuất quỷ nhập thần”. Chị Võ Thị Sáu được tuyên dương trước toàn đội.

Năm 1949, Chị đem lựu đạn vào tận Nhà việc diệt Cai tổng Tòng, tên tay sai gian ác. Trận ấy Tổng Tòng chết hụt nhưng sợ mất vía. Tháng 2/1950 tại phiên chợ giáp tết Canh Dần, trong một trận tập kích ném lựu đạn diệt các tên các ôn Cả Suốt, Cả Đay Chị không may sa vào tay giặc. bắt được Chị, địch đã dùng mọi cực hình để tra tấn nhưng không khai thác được gì, địch đưa Chị về giam ở khám Chí Hòa (Sài Gòn).

Tại phiên tòa đại hình của giặc Pháp, Chị khẳng định: “Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội!”.

Tên quan tòa rung chuông ngắc lời Chị và tuyên án “Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản”.

Chị thét vào mặt tên chánh án thực dân.

Tao còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa tụi bây vô mà tịch thu!”

Tốp hiến binh xông vào còng tay Chị lôi đi. Tiếng Chị còn vẳng lại

 “Đả đảo thực dân Pháp.

Kháng chiến nhất định thắng lợi…!”

Thực dân Pháp không dám thực hiện bản án tử hình đối với người con gái chưa đến tuổi thành niên, chúng lại tiếp tục giam Chị ở nhà lao Chí Hòa.

Chuyến tàu ngày 21/01/1952 thực dân Pháp đưa Chị ra Côn Đảo, ngày ấy các khám giam ở Côn Đảo không có nữ tù. Chúng tạm giữ Chị ở Sở Cò (Cảnh sát tư pháp). Đêm ấy chị hát suốt đêm, Chị hát những bài hát hào hùng của một thời kháng chiến:Lên đàng, Cùng nhau đi hùng binh, Tiến Quân ca…

Tháng Giêng năm 1952 để tỏ rõ dã tâm thúc đẩy chiến tranh và cũng để trả thù cho những trận thua đau, thực dân Pháp đã xử bắn hàng loạt các chiến sỹ cách mạng tại Côn Đảo. Chúng xử bắn hai đợt 14 người, đến đợt thứ 3 vào ngày 23/01/1952 chúng tiếp tục xử bắn 02 người, trong đó có Chị Võ Thị Sáu.

Bốn giờ sáng ngày 23/01/1952 tên giám thị trưởng và tên chủ Sở Cò áp giải Chị đến văn phòng Giám thị trưởng. Sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án xong thì viên cố đạo lên tiếng:

“Bây giờ cha rửa tội cho con…”

Chị gạt phắt lời cha cố:

Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là kẻ có tội…!”

Viên cố đạo kiên nhẫn thuyết phục:

Trước khi chết con có điều gì ân hận không?”

Chị trả lời:

Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và bọn tay sai bán nước…!”

Hàng ngàn trái tim người tù chính trị từ Banh I, Banh II, Banh III đã thổn thức suốt đêm khi nghe tiếng chân đao phủ giải Chị Sáu đến nơi hành hình, tất cả đã đứng dậy hát bài Chiến sỹ ca. Đó là bài hát mà thời ấy người tù chính trị dành để tiễn đưa những người đồng đội ra pháp trường.

Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi Chị: “Còn yêu cầu gì trước khi chết ?”.

Chị yêu cầu: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước mình đến giây phút cuối và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người”. Chị bắt đầu cất cao tiếng hát. Chị hát bài Tiếng Quân ca. Giọng hát của người con gái Đất Đỏ thiết tha, bay bổng. Chị không nghe tiếng tên chánh án đọc lệnh thi hành án tử hình. Chị cũng không nghe tiếng tên đội trưởng Lê Dương chỉ huy hô lệnh cho toán lính lên đạn, Chị vẫn say sưa hát…

Khi tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì Chị lập tức ngưng hát và thét lên:

Đả đảo thực dân Pháp !

Việt Nam độc lập muôn năm !

Hồ Chí Minh muôn năm !

Tiếng thét của Chị làm bọn đao phủ phải chùng tay súng, bảy tiếng súng khô khốc nổ chuệch choạc. Chị Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó. Cặp mắt Chị trừng nhìn chúng một cách ngạo nghễ. Tên đội Lê Dương không tổ chức bắn hoạt thứ hai, hắn rút súng ngắn lầm lũi bước lại gí vào mang tai Chị bóp cò.

Chị đã anh dũng hy sinh lúc 7 giờ sáng ngày 23/01/1952, nhằm ngày 27 tháng Chạp năm Tân Mão. Cùng ngày hôm đó giặc Pháp còn xử bắn đồng chí Hồ Văn Năm quê ở Vĩnh Long. Hiện nay Ban Quản lý Di tích Côn Đảo còn lưu giữ quyển sổ “Kiểm soát tử vong” của nhà tù Côn Đảo để lại, có ghi rõ họ tên, tuổi, ngày giờ hành quyết 02 chiến sỹ tử tù ngày ấy. Mộ đồng chí Hồ Văn Năm được chôn ngay bên cạnh mộ Chị Võ Thị Sáu.

Ngay tối hôm Chị Võ Thị Sáu hy sinh, kíp tù làm thợ hồ (ở khám 2 Banh I) tìm cách đúc cho Chị một tấm bia bằng xi măng. Sáng hôm sau hay tin, tên chúa đảo Jarty đích thân dẫn lính đến đập nát bia, san bằng ngôi mộ.

Sáng hôm sau, mộ Chị lại được đắp cao hơn trước và một tấm bia bằng xi măng khác được đặt lên trang trọng. Chúa đảo Jarty hay tin liền ra lệnh cho Giám thị trưởng Passi chỉ huy cho 20 tên tay sai mang 10 bó mây đến khủng bố kíp tù thợ hồ, họ lôi từng người ra đánh, người lủng đầu, rách lưng, đổ máu… nhưng không ai hé răng khai báo.

Sau trận ấy, nhiều tù nhân phải nằm bệnh xá, những người tình nghi bị phạt nằm xà liêm. Song còn những người còn đi làm khổ sai vẫn lén dấu từng nhúm xi măng để dựng lại bia, đắp lại mộ cho Chị.

Không ai nhớ hết đã có bao nhiêu tấm bia dựng lên mộ Chị và cũng không biết có bao nhiêu lệnh chỉ huy của bọn chúa đảo, gác ngục cho tay sai ra đập phá bia mộ Chị Võ Thị Sáu. Nhưng bọn gác ngục không sao hiểu nổi, cứ mỗi lần chúng đập bia, phá mộ Chị thì sau đó bia mộ Chị vẫn hiện ra như trước. Họ bắt đầu lan truyền rằng: “Chị Sáu rất linh thiêng, không ai có thể đập phá được mộ của Chị, họ còn đồn rằng Chị đã hiện về, Chị sẽ vặn cổ những tên hỗn láo…”

Một điều trùng khớp không ai lý giải được là những tên trực tiếp chỉ huy phá mộ Chị, hoặc trực tiếp đập bia mộ Chị thì vài hôm sau chúng lại bị chết “bất đắc kỳ tử” hoặc “khùng khùng – điên điên”. Bọn gác ngục và bọn tù giam bắt đầu chùn tay.

III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

Chị Võ Thị Sáu là một người con trung hiếu, người đồng chí sắt son được nhân dân tin yêu, kính phục. Cuộc đời và sự nghiệp của Chị đã được ghi vào lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Phụ nữ Nam bộ, lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, lịch sử huyện Đất Đỏ và lịch sử nhà tù Côn Đảo. Tên tuổi và sự nghiệp của Chị Võ Thị Sáu cũng đã được suy tôn vào hàng những nhân vật tiêu biểu của Từ điển bách khoa Công an nhân dân. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trân trọng như những bậc anh hùng liệt sỹ tiêu biểu của dân tộc.

Ngày 02/8/1993 Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định 149/KT/CTN truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” cho Liệt nữ Võ Thị Sáu.

Cùng với các nhân vật như Kim Đồng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Viết Xuân… hình tượng Chị Võ Thị Sáu cũng đã được in vào các mẫu tem như một minh chứng hào hùng cho tấm gương hy sinh kiên cường, bất khuất. Tên của Chị được đặt tên nhiều con đường, ngôi trường, công viên, tên quỹ học bổng… trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Tại thị trấn Đất Đỏ, tượng Chị Võ Thị Sáu cũng đã được xây dựng cao 6 m. Ở Côn Đảo, mộ Chị Sáu là ngôi mộ được nhiều người thăm viếng nhất. Bàn thờ Chị Võ Thị Sáu đặt tại Đền thờ Côn Đảo cũng được người dân và du khách thường xuyên thăm viếng.

Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tên tuổi, hình tượng Chị Võ Thị Sáu cũng được nhắc đến rất nhiều trong văn học, thơ ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc…với các tác phẩm nổi tiếng như: Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn của Phan Thị Thanh Nhàn; Biết ơn Chị Võ Thị sáu của Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn; Võ Thị Sáu con người và huyền thoại của Tiến sỹ Nguyễn Đình Thống; Phim Người con gái Đất Đỏ của đạo diễn Lê dân…

Năm 1994, Ban Quản lý Công trình tôn tạo, xây dựng Nghĩa trang Hàng Dương tiếp tục trùng tu mộ Chị khang trang hơn. Song ai đã từng biết ngôi mộ Chị trước đây đều không thể quên hình ảnh một ngôi mộ được xếp bằng hàng ngàn viên đá lớn nhỏ với vô vàn chân nhang, với những cánh hoa rừng tươi thắm. Họ cũng không thể quên được những tấm bia được làm bằng bất cứ chất liệu gì có được của những người tù.

Hàng năm, vào ngày 23/01, nhân dân Côn Đảo tổ chức lễ giỗ Chị Võ Thị Sáu một cách trang trọng và đầy lòng thành kính để tưởng nhớ anh linh và công lao của người thiếu nữ anh hùng./.

Nguồn tin: Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập84
  • Hôm nay6,492
  • Tổng truy cập19,656,231
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây