Cần hơn 11.700 tỷ đồng nâng cấp sân bay Côn Đảo

Thứ ba - 02/07/2019 16:28
NDĐT - Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phương án quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bảo đảm khai thác được tàu bay A321. Theo đó, để nâng cấp sân bay Côn Đảo, dự kiến cần tổng kinh phí lên tới hơn 11.700 tỷ đồng.
 
7 2 2019 4 21 13 pm
Sân bay Côn Đảo
Hiện nay, sân bay Côn Đảo chỉ có duy nhất Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO - thành viên của Vietnam Airlines) khai thác bằng loại tàu bay ATR 72. Ngoài ra, hãng Vietjet và Bamboo Airways cũng đã bày tỏ ý định khai thác đường bay đi - đến Côn Đảo.

Trước đây, Vietjet từng có ý tưởng khai thác đường bay đến Côn Đảo bằng máy bay phản lực loại nhỏ Bombardier CRJ900. Tuy nhiên, gần đây, Vietjet bày tỏ mong muốn khai thác đường bay đến Cảng hàng không Côn Đảo, bằng tàu bay A319.
Sân bay Côn Đảo được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Năm 2003, Tổng Công ty Cảng hàng không miền nam đã đầu tư nâng cấp đường cất - hạ cánh, sân đỗ, nhà ga đủ điều kiện để tiếp thu các loại máy bay ATR72, F70 và tương đương. Ngày 9-5-2004, sân bay Côn Đảo đưa vào hoạt động chặng bay TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo - TP Hồ Chí Minh do Vasco khai thác.
Cục trưởng HKVN Đinh Việt Thắng cho biết, đã chỉ đạo Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) nghiên cứu phương án kéo dài đường cất - hạ cánh (CHC) để bảo đảm khai thác tất cả các loại tàu bay A320, A321 thay vì chỉ có thể khai thác tàu bay ATR72 như hiện nay.
Tư vấn ADCC đã nghiên cứu và đề xuất kéo dài đường cất hạ - cánh từ 1.830 m hiện nay lên 2.400 m, chiều rộng đường băng 45 m. Đồng thời, ADCC đề xuất xây dựng sân đỗ tàu bay đáp ứng tối thiểu tám vị trí đỗ trong thời điểm xây dựng nhà ga hành khách mới, bảo đảm công suất hai triệu khách/năm và có dự trữ đất để mở rộng khi có nhu cầu. Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư, nâng cấp sân bay Côn Đảo cần tới hơn 11.700 tỷ đồng.
Trong tổng kinh phí trên, sẽ dành hơn 5.300 tỷ đồng để nâng cấp, kéo dài đường băng (bao gồm cả chi phí vận chuyển đất, đá từ đất liền ra để đắp lấn biển trong điều kiện không thể khai thác mỏ đất tại Côn Đảo). Trong trường hợp có thể khai thác đất lấp biển tại chỗ, con số này sẽ giảm đi gần 2.000 tỷ đồng.
Đề cập phương án lấp biển để kéo dài đường băng Côn Đảo, Giám đốc ADCC Nguyễn Bách Tùng cho biết, bỏ qua vấn đề tài chính, về mặt kỹ thuật, các đơn vị trong nước hoàn toàn có thể đảm đương được, bởi trước đó, chúng ta đã xây dựng đường băng ở Trường Sa bằng phương án này.
Ông Tùng cũng tính toán, sẽ phải cần ít nhất 3 - 4 năm để có thể hoàn thành được đường băng (không tính thời gian chuẩn bị đầu tư) nếu phương án này được chấp thuận. Về hiệu quả kinh tế, ông Tùng cho rằng, xét riêng đường băng thì khó tính đúng, tính đủ như với nhà ga, sân đỗ, nhưng hiệu quả về mặt xã hội và quốc phòng - an ninh thì rất tốt.
Phương án này được các chuyên gia đánh giá có ưu điểm giúp khai thác đầy tải thương mại đối với thế hệ tàu bay A321 hiện nay và thế hệ tàu bay mới A319, A320, A321 (neo/ceo), tuy nhiên Cục HKVN cũng nhận định, phương án này có hạn chế là phải lấp biển khiến chi phí đầu tư xây dựng bị tăng cao, kéo dài thời gian xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch.
“Nếu thực hiện phương án này sẽ phải thực hiện lại việc thẩm định, lấy ý kiến các bộ, ngành và cơ quan đơn vị đối với quy hoạch vì tăng tổng mức đầu tư và có bổ sung phương án thiết kế lấn biển”, lãnh đạo Cục HKVN khẳng định.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Đỗ Tất Bình nhận định, việc kéo dài đường băng Côn Đảo về phía biển không gặp khó khăn về kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ xây dựng đường băng này. Tuy nhiên, vấn đề duy nhất ở phương án này là “quá tốn kém”.
Sân bay Côn Đảo có vị trí đặc thù nằm ở giữa thung lũng, hai bên là núi cao và hai đầu giáp biển. Dòng chảy nước biển ở đây cũng rất phức tạp, đắp được bao nhiêu là nước xoáy cuốn hết.
“Hàng chục năm trước đây, ACV đã từng nghiên cứu phương án kéo dài đường băng Côn Đảo ra biển và khẳng định phương án này không khó về kỹ thuật, chỉ mắc về kinh tế”, ông Bình cho hay.
Lãnh đạo AVC cũng lưu ý, thay vì nâng cấp đường băng để đón tàu bay lớn hơn, một phương án hiệu quả hơn cần nghiên cứu là dùng tàu bay nhỏ và bay nhiều hơn.
Đại diện ACV nêu quan điểm giữ nguyên đường băng và tăng tần suất bằng máy bay nhỏ. Ngoài ATR72, với đường băng hiện tại, hoàn toàn có thể khai thác các loại tàu bay phản lực cỡ nhỏ hoặc tàu bay A319. Hiện tại, kết cấu mặt đường băng là bê-tông nhựa. Nếu thay bằng mặt đường bê-tông xi-măng, A319 hoàn toàn có thể bay đến Côn Đảo mà không cần giảm tải.
Trước đây, Vietjet từng có ý tưởng khai thác đường bay đến hòn đảo này bằng chiếc phản lực loại nhỏ Bombardier CRJ900. Tuy nhiên, gần đây, Vietjet bày tỏ mong muốn khai thác đường bay đến cảng hàng không Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bằng tàu bay A319.
Vietjet cho biết, hãng đã làm việc với các đối tác để dự kiến khai thác 2 - 3 máy bay Airbus A319 đến sân bay Côn Đảo. Đường bay mà Vietjet dự kiến triển khai là Hà Nội - Côn Đảo, TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo và Côn Đảo - Hà Nội với tần suất 4 - 6 chuyến/ngày.

 

Nguồn tin: TRANG LY/ nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập92
  • Hôm nay8,111
  • Tổng truy cập19,847,121
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây