79 cây di sản Việt Nam ở Côn Đảo

Thứ năm - 23/05/2019 19:48
7 quần thể và 1 cây cổ thụ có giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Côn Đảo đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận danh hiệu Cây di sản Việt Nam.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của quần thể cây cổ thụ gắn liền với lịch sử hình thành và đấu tranh cách mạng của bao nhiêu lớp thế hệ người Việt Nam yêu nước ở nhà tù Côn Đảo trong suốt 113 năm, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân, phát triển nếp sống hài hòa gắn bó với thiên nhiên, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam cho 07 quần thể và 01 cây cổ thụ có giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Côn Đảo. Được phân bố như sau:

- Quần thể cây Bàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng - 19 cây

- Quần thể cây Bàng trên đường Lê Duẩn - 11 cây

- Quần thể cây Bằng Lăng trên đường Lê Văn Việt – 15 cây

- Quần thể cây Bàng tại Di tích trại Phú Hải (thuộc hệ thống   Nhà tù Côn Đảo) – 8 cây

- Quần thể cây Bàng tại Di tích trại Phú Sơn (thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo) – 7 cây

- Quần thể cây thị cổ tại Di tích An Sơn Miếu – 3 cây

- Quần thể cây cổ thụ trong Di tích Nhà Chúa Đảo - 15 cây (trong đó có 8 cây Bàng, 4 cây Bằng lăng, 2 cây Thị rừng và 1 cây Điệp vàng)

- 01 cây Điệp Phèo trên đường Nguyễn Huệ

Ảnh: Du lịch Côn Đảo - Hàng bàng xanh mướt sum suê ở đường Tôn Đức Thắng - Côn Đảo

Các cây di sản ở Côn Đảo là các cây lâu năm, có độ cao trung bình khoảng 15m, chu vi trung bình 3,5m mỗi cây, độ tuổi ước tính khoảng 130-149 năm với hình dáng to lớn, hùng vĩ, trầm mặc.

 

Tuổi đời của các cây di sản ở Côn Đảo được khẳng định qua sự hiện diện của các cây này trong các bức ký họa của một Họa sỹ người Pháp đã vẽ vào những năm cuối thế kỷ XIX và qua những bức ảnh tư liệu trên tấm bưu thiếp về Nhà tù Côn Đảo (đang được Ban Quản lý Di tích Côn Đảo lưu giữ) được chụp dưới đời Chúa đảo Mousieur O’conel (1914 -1916).

Các cây này nằm ở vị trí trung tâm gần với các địa điểm phục vụ bộ máy cai trị tù của địch hàng ngày chứng kiến tất cả hoạt động của các Chúa đảo và tay sai, cùng với cuộc sống của người tù Côn Đảo. Tất cả các lớp tù trên Côn Đảo đều phải đi qua những hàng cây này để đến trại giam hay lê những bước chân xiềng xích khi đi lao động khổ sai. Những cây cổ thụ ở đây đã chứng kiến bao thăng trầm của  lịch sử, chứng kiến sự đàn áp dã man vô nhân tính của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chứng kiến tinh thần trung kiên, bất khuất cùng sức mạnh ý chí, nghị lực của những người tù Côn Đảo yêu nước, và cả những giây phút mừng vui tột cùng trong ngày giải phóng Côn Đảo.

 

Bà Nguyễn Thị Ny (cựu nữ tù Côn Đảo) kể: “Có một đồng chí lén lượm lá bàng ăn, thằng giám thị nhìn thấy, nó đánh gãy xương hàm. Đối với chúng tôi lá bàng ngày ấy ăn ngọt như đường. Nói thế để thấy nó quý biết nhường nào. Nó tiếp cho chúng tôi sự sống”. Cây bàng trên đất Côn Đảo rất đỗi thiêng liêng như thể người bạn thân thiết của những người tù Côn Đảo. Nó tiếp thêm sức mạnh cho những người con yêu nước thực hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp.  Mỗi lần được cai ngục của nhà tù Côn Đảo cho ra ngoài, người tù Côn Đảo nào cũng nhanh tay tìm cách hái những lá bàng non và cả lá bàng xanh, nhặt trái bàng về, lén giấu trong người, ngậm trong miệng, nhét cả vào trong thùng vệ sinh, đem vào phòng giam chia cho đồng đội cùng ăn. Lá bàng, quả bàng đối với người tù Côn Đảo như là rau xanh, thực phẩm giúp chống chọi với cơn đói run người. Lá bàng còn giúp vết thương bớt đau nhức, mưng mủ, chữa tiêu chảy, kiết lỵ… Bọn cai ngục nhà tù Côn Đảo hằng ngày canh giữ, khám xét gắt gao. Nhiều tù nhân bị phát hiện, tình nghi có giấu lá bàng, quả bàng là bị đánh đập dã man. Nhưng những người tù Côn Đảo vẫn cố gắng để hái lá bàng, chuyển lá bàng vào phòng giam chia cho đồng đội cùng ăn. Lá bàng đã góp phần cứu sống nhiều tù nhân. Không chỉ thế, cây bàng lúc bấy giờ còn làm nhiệm vụ của một bưu tá, truyền và nhận thông tin. Lá bàng khô được đốt để người tù lấy tro làm mực viết thư truyền thông tin cho nhau. Gốc cây bàng nhiều ngóc ngách như những hộp thư liên lạc bí mật được chiến sĩ cách mạng chọn làm nơi cất giấu thư từ. Mùa cây bàng thay lá được những người tù ghi dấu tháng năm trôi qua chốn địa ngục trần gian giữa biển khơi.

BÀI THƠ VIẾT TRÊN LÁ BÀNG

Lá bàng trong gió đong đưa

Lá rơi ta nhặt làm thơ lá bàng

Long lanh từng mũi kim vàng

Ngợi ca đất nước đẹp hàng chữ thiêng

Thơ ta thơm lúa mùa chiêm

Bồ câu bay trắng con đường thơ đi

Qua rồi máu đổ phân ly

Cầu cao mấy nhịp tìm về Bắc Nam

Thơ ta một chiếc thuyền nan

Chèo thơ một mái chèo sang sông dài

Nhị Hà mơ gió Đồng Nai

Sông Lô sông Mã thương hoài sông Hương

Thu Bồn nhớ sóng Hiền Lương

Mối tình sông nước đoàn viên đất trời

Lá bàng rơi lá rơi rơi…

Cho ta viết đẹp ngàn lời ca dao

Côn Đảo 25.1.1973

 

Cũng chính vì cây Bàng có nhiều ở Côn Đảo nên nó trở thành loài cây đặc thù khi nhắc đến mảnh đất này. Người dân Côn Đảo đón lấy món quà của thiên nhiên chế biến thành đặc sản. Mứt hạt Bàng đã trở thành món quà đặc sản bình dị nhưng mang đậm dấu ấn Côn Đảo mà rất nhiều du khách khi du lịch Côn Đảo đều mua một ít về làm quà và mang theo những câu chuyện lịch sử bi hùng.

 

Ngày nay, khi du lịch Côn Đảo, tham gia các tour Côn Đảo mỗi du khách tới đây đều không khỏi ngỡ ngàng trước dáng vẻ to lớn, cổ lão của quần thể cây ở Côn Đảo. Bàng ở Côn Đảo hứng mưa chịu nắng, bão khắc nghiệt nhưng vẫn vững chãi, xanh tốt. Do khí hậu, thời tiết, môi trường đặc trưng ở Côn Đảo tác động nên cây bàng Côn Đảo có lá thẫm, gốc rộng hơn, vỏ cây xù xì, gân guốc hơn bàng trồng ở đất liền. Những hàng cổ thụ góp phần tạo nên không gian trầm mặc, cổ kính, vốn có rất riêng của Côn Đảo, tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách. Đây chứng nhân sống động nhất, cụ thể nhất về một tiến trình phát triển của lịch sử Côn Đảo từ buổi là “Địa ngục trần gian” đến thời kỳ Côn Đảo đổi mới tươi đẹp như ngày hôm nay. Du lịch Côn Đảo, ghé thăm Côn Đảo, tận mắt chứng kiến hệ thống Nhà tù Côn Đảo vốn được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nhìn vào dòng chữ “Cây di sản Việt Nam”, chạm tay vào những cây bàng đại thụ trong không gian tĩnh lặng, nhiều người không khỏi bồi hồi xúc động.

 

Nguồn tin:  (Hoàng Thị Lương - Land tour Côn Đảo)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập108
  • Hôm nay3,443
  • Tổng truy cập19,653,182
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây