Ra biển Côn Đảo trải nghiệm cùng các cần thủ săn cá khủng

Thứ năm - 23/05/2019 19:35
Không biết do may mắn hay do có sự “trợ giúp” vô hình mà mỗi ngày ở Côn Đảo, tôi lại có cơ hội biết thêm những điều thú vị. Tôi có dịp được ra khơi cùng ngư dân và những cần thủ (thợ câu chuyên nghiệp) câu cá “khủng”, nếm trải cảm giác rất gần với cá mập “sát thủ đại dương”, xúc mực đang bơi bằng vợt....

Bị 'sát thủ' đại dương phỗng tay trên

 Trong lúc lang thang ở khu vực cảng Bến Đầm, nơi tập trung toàn bộ ghe thuyền đánh cá của ngư dân ở ngư trường Côn Đảo, tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện, bàn kế hoạch ra khơi câu cá của một nhóm đàn ông với một chủ ghe trên bờ kè cảng nên tò mò ghé lại mới biết, họ từ TP.HCM ra Côn Đảo câu cá. Tôi xáp lại làm quen và ngỏ ý xin tham gia. Người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi giới thiệu tên Vận, nói: “Cậu muốn đi cũng được nhưng đây toàn dân câu chuyên nghiệp, câu cá lớn nên ra xa lắm. Ghe này nhỏ, ra xa sóng mạnh lắm, có chịu nổi không? Suy nghĩ kỹ, nếu không ra đó nằm gục vì say sóng thì phí 1 ngày”. Tôi nghe vậy thoáng chần chừ nhưng trí tò mò khiến tôi đánh liều gật đầu. Anh Vận thấy tôi gật đầu thì cười, bảo: “Ok, vậy 4 giờ sáng mai xuất phát tại đây. Mang đồ gọn nhẹ, không nên mang theo máy chụp hình đắt tiền, phòng nước biển làm hư”.

Ảnh: Phúc Lập 

Sáng hôm sau, tôi có mặt đúng giờ, mọi người cũng đã tề tựu đông đủ. Đoàn câu gồm 5 cần thủ và 5 người trợ giúp. Tất cả họ đều là những thợ câu chuyên nghiệp, từng nhiều lần đi biển, duy chỉ có tôi là dân “ngoại đạo”. Mặc dù vậy, anh chủ ghe tên Liêm trấn an tôi: “Anh đừng lo, hôm nay biển lặng lắm”. Sau gần 1 tiếng dập dềnh trên sóng, chiếc ghe giảm máy rồi dừng hẳn. Anh Liêm dùng máy định vị GPS và máy tầm ngư xác định điểm câu để neo tàu. Anh cho biết, phải có kinh nghiệm lâu năm mới biết đặc điểm cá, nơi chúng thường trú ngụ để câu. Nhiều khi, thả mồi cách vài mét, chúng chẳng ngó. Nhưng nếu thả đúng điểm, ngay trước mắt, chúng đớp vì thấy con mồi cứ lờn vờn trước mắt, đớp cho khỏi ngứa mắt chứ chưa chắc đã đói mồi.

Ngay khi ổn định, mọi người nhanh chóng móc mồi và buông cần trong im lặng, mỗi cần thủ được một người không ôm cần hỗ hỗ trợ việc móc mồi, gỡ cá, kết thẻo…Anh Vận cho biết, câu cá lớn nên toàn bộ “đồ nghề” câu của các anh đều là hàng “khủng”, đủ sức “vít” những con cá vài chục ký. Sau khoảng 15 phút mọi người thả câu, đầu tôi bắt đầu váng vất, mắt hoa vì con thuyền cứ dập dềnh. Ngay lúc đó, chiếc cần câu anh Trần Văn Khánh, một cần thủ nổi tiếng “sát cá” chợt cong vòng, vít xuống, chiếc mobin máy xả liên hồi vì bị một lực kéo mạnh từ bên dưới. Bằng kinh nghiệm nhiều năm, sau vài phút “cảo”, mobin ngừng xả. Ngồi bên cạnh, anh Liêm bảo, con cá chịu thua rồi”. Lúc này, anh Khánh bắt đầu thu cước. Mọi người đều hướng mắt về phía chiếc cần, nín thở chờ con cá đầu tiên trong ngày. Nhìn cần câu cong vút, ai cũng nghĩ, con cá này to lắm. Nhưng may mắn đã không mỉm cười với anh Khánh, khi chiếc cần đang cong vút chợt thẳng căng. Anh Khánh hồi hộp kéo nhanh, khi đầu cần bật lên khỏi mặt nước, cũng là lúc nghe tiếng anh la to thảng thốt: “Cá mập cướp mất rồi!”. Mọi người định thần nhìn kỹ thì ở lưỡi câu chỉ còn chiếc đầu con cá to hơn trái dừa cỡ lớn. Còn phần thân đã bị cá mập táp ngọt như dao cắt! Khoảng 1 phút sau, tôi nghe tiếng anh Liêm la to: “Mọi người rút chân lên”, thì ra trong lúc câu, ai cũng ngồi ở mạn thuyền, thả chân xuống mặt nước, đong đưa.

Con cá đầu tiên bị cá mập “cướp” trên tay cần thủ, chỉ còn lại cái đầu   “May là con cá lên còn ở xa, chứ nếu nó vào gần đây, thấy mấy bàn chân đung đưa dưới mặt nước, nó đớp thì khổ rồi”, anh Liêm nói thêm, khiến ai cũng một phen hú hồn.

Con mú thông 30kg

Sau gần 2 tiếng thả câu, số cá trên thuyền đã khá nhiều, nhưng chưa có con cá khủng nào. Ăn trưa xong, anh Liêm đề nghị di chuyển đến điểm khác, cách đó vài trăm mét. Nhưng khi anh chuẩn bị cuốn neo thì bất ngờ cái chai nước suối làm phao trên cần câu của anh Vận bất ngờ bị nhấn chìm mất hút, cần câu cong vút, dây căng như neo gặp bão, chiếc mobin rít lên, dây nhả ào ào. Anh Vận gồng lên, ghì cần, mặt đỏ bừng. Mọi người nhanh chóng lại tiếp sức. Nhưng cần câu và dây căng cứng, gần như không thể thu dây, trong khi dây vẫn đang nhả. Nếu không thu được, dây nhả hết sẽ có nguy cơ đứt. Lúc này, anh Liêm nhanh chóng thu neo, cho ghe chạy nương theo hướng cần câu, dây bắt đầu chùng lại, anh Vận bắt đầu thu cước. Mọi người thay nhau ghì cần, quay thu dây, ai cũng mặt đỏ tía tai, thở phì phò. Có lẽ con cá “khủng” cũng thấm mệt, đang bị thu phục, dần tiến lại gần thuyền hơn, nhưng lâu lâu nó lại ghì cần câu cong vút rồi lao đi như hóa dại, khiến mọi người hụt hơi với nó. Sau hơn một giờ đồng hồ vật lộn, cuối cùng, con cá cũng tiến sát thuyền, mọi người gỡ phao. Bất chợt, tôi nghe tiếng ai đó hét to sung sướng: “cá mú thông!”. Ngay sau đó, tất cả mọi người trên thuyền cùng hét ầm lên "Mú thông! vô địch! vô địch!"...

Con cá mú thông “khủng”

Tôi nhìn xuống, thấy thấp thoáng trong làn nước xanh ngắt, con cá mú thông lấp loáng vân như một khối mây nhiều màu từ từ trồi lên. Thêm vài cú quay thu dây, con cá nổi lên ngửa bụng. 4 thợ câu lực lưỡng mất thêm 15 phút nữ mới đưa được con cá khủng lên thuyền. Mọi người dù rất mệt nhưng vẫn la hét như hóa dại. Sau đó, thi nhau ôm con cá “tự sướng”. Tôi nhìn con cá, ước dài khoảng hơn 1m, to có lẽ gần một vòng tay ôm. Đây là con cá câu to nhất mà tôi được nhìn tận mắt, sờ tận tay. “Con cá này cỡ 30kg, nếu không có cần xịn, dây “khủng” thì đứt là cái chắc. Thêm nữa là kinh nghiệm. Cách đây chừng hai trăm mét là rặng san hô, nếu không ghì được, để nó bơi đến đó, chui vào mấy rạn san hô thì đứt dây là cái chắc”, anh Vận nói. Khi màn đêm buông xuống, thuyền bắt đầu di chuyển đến vùng nước nông để câu và lưới mực. “Sao phải chuyển vào chỗ nước nông? Ở đây không có mực sao?”, tôi hỏi. Anh Liêm giải thích: “Ngoài này cũng có, và mực to. Nhưng không nhiều. Vào chỗ nước nông, khoảng hơn chục mét mới thả lưới chạm đáy được”.

Câu và xúc mực

Mực lên thuyền còn sống nguyên

Theo dõi nhóm cần thủ và những người thuyền viên chuẩn bị, tôi mới biết mồi câu mực là những con tôm giả. Sau khi thả xuống nước, chất lân tinh phát sáng, những con mực bị ánh lân tinh thu hút, kéo đến “tấn công”, cần thủ kéo nhè nhẹ, lên gần đến mặt nước, dùng vợt xúc mực lên. Trong khi các cần thủ câu mực, thì anh Liêm bật đèn một bên mạn thuyền sáng trưng, rồi thả lưới xuống, lưới chạm đáy biển và tạo thành một vòng cung ôm lấy một mạn thuyền. Sau hơn nửa tiếng “dụ” mực đến bằng ánh sáng, 2 đầu dây lưới phần đáy được thu hẹp dần và kéo lên, bầy mực đã nằm gọn trong vòng vây lưới. Mọi người dùng vợt xúc những con mực còn nhảy, đạp lung tung lên thuyền. Sau 1 ngày, 1 đêm lênh đênh trên biển, số cá câu được trên thuyền ước khoảng hơn 200kg, gồm hơn chục loại như cá thu, bè lão, bè trang, mó xanh, mú thông, mú đỏ, đuối sao...

Một số “chiến lợi phẩm” (cá thu, cá ken, đuối sao và mú sao):

Nguồn tin: Theo Phúc Lập (Nguồn: skydoor.net)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập107
  • Hôm nay15,299
  • Tổng truy cập21,418,555
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây